|
Lễ khánh thành Đoàn tàu Đội TNTP Hồ Chí Minh tại Ga Bắc Giang ngày 01/01/1979 |
Năm 1977-1978 đất nước đứng trước vô vàn thách thức, trở ngại. Ngành Đường sắt Việt Nam không những thiếu than chạy tàu mà còn thiếu phụ tùng sửa chữa đầu máy toa xe, thiếu phương tiện…Đời sống của CBCNV thực sự khó khăn do thiếu thốn, chậm lương, ăn cơm trộn bo bo...
Trước bối cảnh đó, thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh đã có sáng kiến và được Trung ương Đoàn chỉ đạo phát động trong thiếu nhi toàn quốc phong trào làm kế hoạch nhỏ; thu nhặt 4 triệu tấn giấy loại, đóng đoàn tàu kế hoạch nhỏ mang tên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Nghị quyết Hội nghị lần thứ XXV (mở rộng) của BCH TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh họp vào tháng 1/1978 đã nêu: “…Cần hoàn thành kế hoạch nhỏ thiếu niên tiền phong thu nhặt 4 triệu ki lô gam giấy loại và phát triển lên thành phong trào thiếu nhi góp 4 triệu đồng bằng lao động và tiết kiệm làm đoàn tàu thiếu niên tiền phong chào mừng Đại hội lần thứ IV của Đoàn”.
Năm 1978 thực sự là một năm thanh niên, thiếu nhi khắp 3 miền đất nước sôi nổi hưởng ứng Nghị quyết của Trung ương Đoàn. Nhiều tỉnh, thành Đoàn đã phát động, triển khai rộng khắp phong trào và đứng đầu là ở TP Hồ Chí Minh. Cuối tháng 5/1978, tổng số giấy được thiếu nhi cả nước thu nhặt là 2.662 tấn giấy, đưa vào nhà máy 1.926.722 kg; trong đó TP Hồ Chí Minh góp 440 tấn, Thanh Hóa 316 tấn, Vĩnh Phú 300 tấn, Hà Nam Ninh 300 tấn, Hà Nội 170 tấn. Báo Hà Bắc đưa tin: đến tháng 4/1978, thiếu niên toàn tỉnh thu nhặt được 100.500 kg phế liệu (giấy, mảnh chai, bao tải rách…). Riêng em Nguyễn Đức Chức, là con liệt sĩ ở Trường cấp II Nguyễn Trãi, TP Đà Nẵng nộp 596 kg giấy vụn - là người có kỷ lục cá nhân cao nhất cả nước. Hầu khắp các tỉnh, thành đều tổ chức Đại hội chiến sĩ kế hoạch nhỏ để biểu dương các “Chiến sĩ kế hoạch nhỏ xuất sắc”.
Về phía ngành đường sắt, được sự hỗ trợ của lãnh đạo Tổng cục Đường sắt, Công đoàn Đường sắt, Đoàn thanh niên Đường sắt Việt Nam đã tổ chức triển khai thành công Công trình khôi phục đầu máy; đóng một đoàn tàu chở khách mang tên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.
Sáng 19-5-1978, 600 thiếu nhi Hà Nội và đoàn đại biểu thiếu nhi TP Hồ Chí Minh thay mặt thiếu nhi cả nước đã đến Tổng cục Đường sắt (TCĐS) đề nghị TCĐS đóng cho các em một đoàn tàu mang tên Đội TNTP Hồ Chí Minh bằng số tiền của kế hoạch nhỏ. Đồng chí Trần Mẫn, Tổng cục trưởng TCĐS đã cùng đồng chí Nguyễn Tiên Phong, Bí thư Trung ương Đoàn ký Nghị quyết liên tịch về việc ngành Đường sắt thực hiện Công trình đóng Đoàn tàu mang tên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Đồng chí Phạm Đình Hiệp, phó quản đốc Phân xưởng Toa xe Nhà máy xe lửa Dĩ An nơi nhận đóng đoàn tàu cho các em thay mặt anh chị em công nhân phát biểu: “Quyết tâm hoàn thành sớm công trình này”
Tổng cục Đường sắt đã chọn cử nhiều kỹ sư toa xe giỏi nghiên cứu thiết kế toa xe phù hợp điều kiện nguyên vật liệu và khả năng chế tạo trong nước lúc đó. Trong một thời gian ngắn, các bản vẽ thiết kế tổng thể, thiết kế chi tiết được tập thể kỹ sư thiết kế toa xe hoàn thiện và trực tiếp chỉ đạo việc đóng mới đoàn xe tại Nhà máy xe lửa Dĩ An. Đoàn tàu này gồm 15 toa xe, có 3 toa giường nằm, 9 toa xe ghế ngồi, 1 toa xe hàng cơm, 1 toa xe hành lý, 1 toa xe trưởng tàu.
Các cán bộ đoàn viên thanh niên Ban quản lý đường sắt 3 phát động các cơ sở đoàn thực hiện Công trình Thanh niên “Vì đoàn tàu thiếu niên”; “Lao động sáng tạo 6.000 công ủng hộ đoàn tàu thiếu nhi”. Thanh niên Xí nghiệp đầu máy Chí Hòa (Sài Gòn) hoàn thành trước tiến độ việc khôi phục đầu máy đi ê den BB 930. Thanh niên khu đường sắt Thuận Hải tình nguyện sửa chữa cầu hỏng ở Suối Kiết…
Đoàn viên thanh niên nhà máy xe lửa Dĩ An xung kích làm thêm ngoài giờ và vận động bà con nông dân, thanh niên địa phương chi viện rau, đậu, sắn…tiếp sức cho công nhân Dĩ An. Chi đoàn 6 (Xe lửa Dĩ An) với 13 đoàn viên, 94 thanh niên đều tích cực ngày đêm làm thêm giờ; Chi đoàn thanh niên cơ quan góp 1.200 công ngoài giờ. Nhờ đó mà đoàn xe chở khách gắn huy hiệu Đội TNTP Hồ Chí Minh hoàn thành vượt tiến độ, như lời đồng chí Nguyễn Công Hoan, Bí thư Đoàn nhà máy chia sẻ: “Đoàn tàu đã làm Dĩ An trưởng thành”.
Tại nhà máy xe lửa Gia Lâm, công trình khôi phục lại chiếc đầu máy hơi nước Tự lực số 141-215 bị hư hỏng nặng được lãnh đạo nhà máy giao cho Đoàn Thanh niên nhà máy chủ trì phối hợp triển khai rất tích cực. Trung thu năm 1978, chiếc đầu máy hơi nước 141-215 khôi phục xong đã chạy thử trên hành trình Gia Lâm - Hải Dương trước khi hoàn thiện; Trung ương Đoàn đã giao cho Tỉnh Đoàn Hải Dương tổ chức lễ đón trang trọng tại thị xã Hải Dương.
Ngày 01-01-1979, tại ga Hà Nội đã tổ chức trọng thể lễ ký bàn giao Đoàn tàu Đội TNTP Hồ Chí Minh giữa đồng chí Nguyễn Tiên Phong, Bí thư Trung ương Đoàn và đồng chí Trần Mẫn, Tống cục trưởng TCĐS. Chuyến tàu khánh thành chạy từ ga Hà Nội đến ga Bắc Giang với đông đảo đại biểu Trung ương, cácđịa phương, ngành đường sắt và thanh thiếu nhi xuất sắc trong phong trào.
Đây là sản phẩm của phong trào kế hoạch nhỏ của thiếu nhi, sản phẩm của ý chí tự lực tự cường, khắc phục khó khăn của hàng nghìn kỹ sư, công nhân trẻ ngành đường sắt mà chủ yếu là những đoàn viên thanh niên ở 3 đơn vị: Cục đầu máy toa xe (Phòng Thiết kế), Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà máy xe lửa Dĩ An.
|
Phong trào kế hoạch nhỏ được đăng trên Báo Tiền Phong năm 1978
|
Báo Nhân dânsố ra ngày 01-01-1979 đã đăng bài viết như sau: “… Cho đến hôm nay, thiếu nhi thu nhặt gần 3 triệu tấn giấy loại, gần 95.000 kg các loại vật liệu khác; 94.000 kg thóc rơi, chăn nuôi được gần 152.000 con gia súc, gia cầm. Ở 18 tỉnh và thành phố, các em đã gửi vào tài khoản số 549 gần 681.000 đồng; dẫn đầu là thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh gửi 300.000 đồng, thiếu nhi Hà Nội gửi 106.000 đồng.
Việc đóng đoàn tàu Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh được thực hiện ngoài kế hoạch năm 1978. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Công đoàn ngành đường sắt phát động phong trào 40 nghìn ngày công lao động sáng tạo đóng góp cho Đoàn tàu Thiếu niên Tiền phong, Đoàn thanh niên đường sắt nhận việc đóng đoàn tàu là một Công trình thanh niên và giao cho Đoàn thanh niên Cục đầu máy toaxe, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà máy xe lửa Dĩ An đảm nhận việc thiết kế và thi công.
Cán bộ, đoàn viên thanh niên chi đoàn Phòng thiết kế (Cục Đầu máy toaxe) lao động khẩn trương và sáng tạo, hoàn thành bản vẽ tổng thể thiết kế trong 3 tuần. Đoàn thanh niên Nhà máy xe lửa Gia Lâm góp gần 1.000 công lao động cộng sản chủ nghĩa. Đầu máy hơi nước 141-215 của các em được hoàn thành trong gần 80 ngày, xong trước thời hạn 45 ngày, tiết kiệm 265 công. Thanh niên công nhân Nhà máy xe lửa Dĩ An làm thêm mỗi ngày 4 giờ, nhận những việc khó khăn nhất; sản xuất và lắp đặt các thiết bị điện, nước, trang trí mỹ thuật toaxe. Các toaxe đều có chiều dài 20,6m. Toa xe được thiết kế thoáng mát, hợp với khí hậu nhiệt đới, kết cấu thùng bệ là kết cấn gân (loại kết cấu tiên tiến hiện nay); cửa sổ dùng kết cấu đối trọng mở dễ dàng, phòng tránh được tai nạn .v..v..Các toa đều sơn màu trang nhã, trang bị hiện đại, đủ tiện nghi cho khách đi tàu trên chặng đường sắt….”.
Sau 40 năm nhìn lại thành công của phong trào này, chúng ta có thể thấy được bài học kinh nghiệm rất đáng tự hào và ghi nhớ. Đây là thành công thực sự của phong trào lan tỏa trong toàn quốc dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đoàn; là thành quả của sự gắn bó, phối hợp chặt chẽ của phong trào thanh thiếu nhi các tỉnh thành phố với thanh niên đường sắt. Phong trào kế hoạch nhỏ Thiếu niên tiền phong vừa có ý nghĩa giáo dục, vừa có sản phẩm thiết thực thể hiện sự đóng góp nhỏ bé, tình nguyện của thiếu nhi vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đoàn thanh niên các tỉnh, thành phố đã tổ chức triển khai chặt chẽ, rộng khắp nghị quyết của Trung ương Đoàn, động viên được hàng triệu thiếu nhi tham gia làm kế hoạch nhỏ.
Công tác tuyên truyền thực hiện phong trào kế hoạch nhỏ được thực hiện rất tốt. Nhiều bài hát, bài báo được lan tỏa.Nhà thiếu nhi Hà Nội đã cử Đội văn nghệ sang Nhà máy xe lửa Gia Lâm biểu diễn phục vụ công nhân; Tỉnh Đoàn Sông Bé và huyện đoàn Thuận An động viên thanh thiếu nhi hỗ trợ Đoàn Thanh niên xe lửa Dĩ An thực hiện công trình. Trung ương Đoàn đã quyết định tặng thưởng nhiều Huy chương Vì thế hệ trẻ cho các tập thể và cá nhân trong ngành đường sắt có thành tích xuất sắc trong công trình.
Công trình đóng đoàn tàu Đội TNTP Hồ Chí Minh là kết quả của sự lãnh đạo đồng bộ, dứt điểm từ lãnh đạo chuyên môn, Công đoàn, Đoàn Thanh niên ngành đường sắt từ cấp Tổng cục đến cấp cơ sở. Lần đầu tiên trong một thời gian ngắn, cán bộ công nhân đường sắt - đặc biệt là những người thợ trẻ Xe lửa Dĩ An đã hoàn thành sản phẩm đóng mới đồng bộ một đoàn xe lửa chở khách. Đoàn tàu này đã được đưa vào khai thác phục vụ cho hành khách trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, bảo đảm “an toàn, chu đáo, lịch sự.” (như kết luận của đoàn kiểm tra của Trung ương Đoàn cùng 60 đội viên TNTP vào năm 1979, sau khi đoàn xe đã chạy trên 50 chuyến).
Đây là thành quả của việc tổ chức, tập hợp thanh niên xung kích trên mặt trận lao động sản xuất, hoàn thành vượt tiến độ công trình đề ra, đảm bảo chất lượng. Cán bộ BCH Đoàn các cơ sở đều bám sát công trình, là tấm gương tích cực, sáng tạo cho thanh niên; Đoàn viên TN Đường sắt Việt Nam lúc đó đều sẵn sàng làm thêm giờ, tình nguyện làm thêm vào ngày chủ nhật. Bức trướng của Trung ương Đoàn tặng Đoàn Thanh niên Nhà máy xe lửa Gia Lâm được thêu các hàng chữ : "Lao động hăng say / Cùng đàn em nhỏ/ Hoàn thành đoàn tàu/ Rực rỡ chiến công".
• Một vài mốc sự kiện :
- 19/5/1977 – Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh có sáng kiến đề nghị dung số tiền thu được từ kế hoạch nhỏ đóng đoàn tàu mang tên Đội TNTP
- Tháng 7/1977, tại Kỳ họp thứ nhất khóa I HĐND TP Hồ Chí Minh, đ/c Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh kêu gọi các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị giúp đỡ các em thiếu nhi thu lượm 1 triệu kg giấy loại trong 2 năm
- 27/6/1978 : gần 1.000 thiếu nhi huyện Hoa Lư (Hà Nam Ninh) cùng các bác, các anh chị công nhân đường sắt làm Lễ khởi công tháo dỡ đầu máy 215 từ Ninh Bình đưa về Nhà máy Xe lửa Gia Lâm khôi phục lại
- 17/7/1978, Lễ khởi công khôi phục đầu máy 215 ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Đoàn TN nhà máy đã tổ chức cho 700 đoàn viên và 300 thanh niên tích cực tham gia sửa chữa đầu máy, vận động thiếu nhi làm kế hoạch nhỏ
• Một số tấm gương tiêu biểu trong phong trào Kế hoạch nhỏ TNTP:
- Tấm gương em Nguyễn Đức Chức, là con liệt sĩ, Trường cấp II Nguyễn Trãi (TP Đà Nẵng). Em là Chi đội trưởng Chi đội Nguyễn Bá Ngọc, bản thân em đã thu gom được 596 kg giấy vụn, đạt kỷ lục cao nhất cả nước.
- 6 anh em họ Lý ở phường 8 quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) được đi dự Đại hội chiến sĩ Kế hoạch nhỏ thành phố (Anh cả Lý Anh Tuấn, 16 tuổi, cùng các em: Lý Hoàng Khánh, Lý Thị Thủy Phượng, Lý Thị Thúy Hồng, Lý Hoàng Cường, Lý Hoàng Hiệp). Tuấn đã góp 260 kg giấy vụn, được trao danh hiệu “Chiến sĩ KH nhỏ cấp ưu tú”; Khanh, Phượng cùng đạt mức nộp 65 kg; Hồng: 10 kg, Cường 31 kg, bé Hiệp 11,5 kg .
- Chi đội Vừ A Dính, Trường cấp I,II Trưng Vương (Hà Nội) với Chi đội trưởng là em Nguyễn Tường Mai đã thu được 705,2 kg giấy.
- Trường cấp I, II Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) có em Nguyễn Thị Chọn thu nhặt được 248 kg giấy, em Nguyễn Thị Ngăn được 200 kg là 2 Chiến sĩ KH nhỏ xuất sắc của Hải Phòng.
- Em Võ Văn Quân ở Tân Ninh (Long An) cùng các bạn thu nhặt được 963 kg thóc ướt, mua và nuôi 148 con gà. |
Khuất Minh Trí
Nguyên Bí thư Đoàn Nhà máy xe lửa Gia Lâm
giai đoạn 1978-1981
Ủy viên BCH Đoàn Đường sắt