Chào mừng ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6 Bác Hồ và Đảng ta với công tác thiếu niên nhi đồng
(Cập nhật: 3/3/2015 8:39:31 AM)
Ngay từ ngày thành lập, Đảng ta đã rất quan tâm đến công tác thiếu niên nhi đồng. Tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ nhất (10/1930) và lần thứ hai (3/1931), Đảng đã có những quyết định quan trọng về công tác thanh niên, về tổ chức Đồng Tử Quân, thiếu niên cách mạng và giao cho Đoàn thanh niên phụ trách thiếu nhi.
Từ đó, nơi nào có chi bộ Đảng và tổ chức Đoàn thanh niên thì nơi đó tổ chức và phong trào đội thiếu nhi phát triển và hoạt động một cách tích cực. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 trên quê hương Bác Hồ kính yêu đã có nhiều đội Đồng Tử Quân tham gia đấu tranh thành lập chính quyền Xô Viết. Theo số liệu lưu trữ, trong chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh có 513 đội viên thiếu niên do các chi bộ Đoàn hoặc tự vệ hướng dẫn hoạt động. Không chỉ có vậy, khắp nơi trên đất nước ta, các Đội thiếu nhi Canh đế, Đội thiếu nhi Xích vệ cũng đã tham gia hoạt động cách mạng. Sôi nổi nhất là thiếu nhi vùng Tứ Trưng, Thượng Trủng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phú; đội Đồng Tử Quân tỉnh Thái Bình (mang tên “Trẻ chăn trâu”), nhất là ở huyện Tiền Hải đã theo người lớn đi đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng; Đội thiếu niên Dục Tài gồm con em công nhân, công chức, nhà buôn là người Việt Nam ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đã không quản ngại gian khổ, cùng với thiếu nhi cả nước nhận nhiệm vụ làm giao thông liên lạc, canh gác, bảo vệ các cuộc họp của Đảng, khi cần theo cha mẹ, anh chị đi đấu tranh...
Bác Hồ chung vui với các cháu trong ngày Quốc tế Thiếu nhi 01/6/1969
Năm 1941, sau 30 năm xa Tổ quốc, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Cùng với những công việc đại sự, Người còn chú ý ngay đến phong trào thiếu nhi, Bác vừa giáo dục các em theo tinh thần cách mạng, vừa coi các em là một lực lượng cách mạng. Ý Đảng - lòng Bác đã gặp nhau ở một điểm, đó chính là tinh thần của Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 8 (5/1941): ... tổ chức ra các đoàn thể cứu quốc như “Nhi đồng cứu vong Đoàn” là đoàn thể cứu quốc của trẻ em và giao cho Đoàn Thanh niên phụ trách. Trên quan điểm đó, ngày 15/5/1941, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Đội TNTP, Hội Nhi đồng cứu vong được thành lập với 5 đội viên đầu tiên đó là: Nông Văn Dền với bí danh Kim Đồng; Nông Văn Thàn, tức Cao Sơn; Lý Văn Tịnh, tức Thanh Minh; Lý Thị Ni, tức Thủy Tiên và Lý Thị Xậu, tức Thanh Thủy. Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) được bầu làm đội trưởng đầu tiên. Các thành viên của Đội đã làm lễ tuyên thệ suốt đời trung thành với Đảng, tuyệt đối giữ bí mật cho dù phải hy sinh đến tính mạng cũng không phản bội lại nhân dân, phản bội lại cách mạng.
Tháng 02 năm 1948, dù đang bận trăm công ngàn việc, nhưng Bác Hồ kính yêu vẫn luôn theo sát phong trào thiếu nhi. Người đã có thư để định hướng công tác cần làm cho tuổi nhỏ. Công tác Trần Quốc Toản. Bác căn dặn: “Các cháu tổ chức những đội Trần Quốc Toản... Trước thì giúp những nhà chiến sĩ, nhà thương binh, lần lượt giúp những nhà ít người. Sức các cháu làm được việc gì thì giúp việc ấy. Thí dụ: quét nhà, gánh nước, lấy củi, xay lúa, giữ em, dạy chữ quốc ngữ... Các cháu nên hiểu rắng: giúp đỡ đồng bào tức là tham gia kháng chiến... luyện tập tinh thần siêng năng và bác ái để sau này trở thành công dân tốt...”. Đối với cán bộ phụ trách thiếu nhi, Người định hướng một cách cụ thể: “Với trẻ, dạy trẻ, cần làm cho các em biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Tuy nhiên phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên... không nên làm cho các em “già sớm”. Hơn thế, người phụ trách thiếu nhi cần phải liên lạc mật thiết với cha mẹ và thầy giáo của thiếu nhi. Người nói thật chí tình, chí lý: “Ngày nay chúng là thiếu nhi. Ít năm sau, chúng sẽ là công dân, cán bộ. Vì vậy, Chính phủ, các đoàn thể, và tất cả đồng bào đều có trách nhiệm giúp sức vào việc giáo dục thiếu nhi”. “Giáo dục thiếu nhi là một khoa học” nên người phụ trách phải cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc. Những định hướng đó của Người cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Chúng tôi, thế hệ thiếu nhi ngày ấy sẽ không sao quên được lời Bác dạy năm nào: “Các cháu phải ghét, ghét cay đắng bọn thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ, bọn Việt gian, bọn bù nhìn. Vì chúng nó mà ta khổ. Các cháu phải yêu, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động. Các cháu phải gắng, gắng giúp đỡ thương binh và gia đình chiến sĩ, gắng học hành. Các cháu phải đoàn kết, đoàn kết giữa nhi đồng Việt Nam với nhau và đoàn kết với nhi đồng thế giới...”. Và hành trang vào đời, hành trang cùng chúng tôi vượt qua mọi gian nan thử thách để chiến đấu và chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược chính là những lời căn dặn đó của Người.
Cho đến bây giờ, chắc hẳn còn nhiều bạn thiếu nhi, nhiều anh chị phụ trách, nhiều thầy giáo, cô giáo, có thể còn chưa biết xuất xứ của 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi. Riêng chúng tôi, không sao quên được lần kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội TNTP - ngày 15/5/1961. Ngày ấy chúng tôi được anh chị phụ trách đọc cho nghe thư của Bác gửi thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Trong thư, Bác nhắc đến sự hy sinh của anh Kim Đồng, Lê Văn Tám và nhiều bạn khác. Đặc biệt, Bác Hồ nhắc đến nỗi nhớ của Người với thiếu nhi miền Nam anh hùng đang bị Mỹ - Diệm áp bức đày đọa. Bác căn dặn: “Các cháu cũng tham gia đấu tranh bằng cách thực hiện mấy điều sau đây: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; Học tập tốt, lao động tốt; Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; Giữ gìn vệ sinh thật tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Mười năm trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bác Hồ và Bác Tôn có gửi cho thiếu nhi miền Nam một bức thư với tình yêu thương và lòng tin tưởng: “Bắc Nam sẽ sum họp một nhà/ Bác cháu ta họp mặt, trẻ già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”.
Phát huy tinh thần và ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã và đang rất coi trọng công tác thiếu nhi. Bởi Đảng, Nhà nước ta và mọi người không bao giờ quên lời nhắc nhở của Người trước lúc đi xa: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân (...) Trước hết, các gia đình phải làm thật tốt công việc ấy. Các Đảng ủy đường phố... Ủy ban Thiếu niên, nhi đồng, Đoàn Thanh niên, ngành giáo dục và các ngành các đoàn thể khác cần phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc, giáo dục các cháu ngày càng khỏe mạnh và tiến bộ”.
Tin tức khác
- Công văn Hội nghị tập huấn tổng phụ trách Đội toàn quốc năm 2014
- Thông báo tuyển sinh trại hè "Nhà khoa học trẻ khám phá thiên nhiên" năm 2014
- Các văn bản, tài liệu của giải "Cầu lông, Bóng bàn - tuổi 15" năm 2014
- Các văn bản Hội nghị tập huấn chuyên đề"Phương pháp huấn luyện môn Thể dục Aerobic và Khiêu vũ thể thao" năm 2014
- THÔNG BÁO số 03 V/v tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề
- Kế hoạch và thể lệ cuộc thi "Sáng tác thơ ca, hò, vè" dành cho thiếu nhi toàn quốc.
- THÔNG BÁO V/v tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề “Hoạt động thiếu nhi ở địa bàn dân cư - Hè năm 2014”
- Thông báo Chương trình vui Tết đặc biệt với chủ đề "Tết truyền thống - Tết yêu thương"
- Kỷ niệm giải phóng Thủ Đô 10/10/1954 - 10/10/2013
- Hình ảnh hoạt động đoàn đại biểu đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại Hàn Quốc, năm 2013
- V/v tổ chức Giải “Đội nhảy AEROBIC thiếu nhi” Nhà thiếu nhi các tỉnh khu vực phía Nam năm 2013.
- Văn bản Chương trình đại biểu đi học tập tại Hàn Quốc tháng 9/2013
- Thông tri triệu tập v/v Tham dự Hội nghị Tập huấn toàn quốc"Nghiệp vụ công tác Đội và kỹ năng công tác xã hội", năm 2013
- Các văn bản mới nhất về chương trình liên hoan nghệ thuật măng non
- Thông báo V/v đăng ký tham dự Hội nghị Tập huấn toàn quốc “Nghiệp vụ công tác đội và kỹ năng công tác xã hội" năm 2013