Báo cáo tổng kết hoạt động hệ thống các cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi toàn quốc
(Cập nhật: 3/2/2015 4:31:02 PM)
Báo cáo tổng kết hoạt động hệ thống các cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi toàn quốc
Năm 2012 - năm đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 06 NQ/TWĐTN ngày 29 tháng 3 năm 2010 của BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về “Tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho thiếu niên, nhi đồng”; năm diễn ra Đại hội Đoàn các cấp và Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X; với sự chỉ đạo đồng bộ của các cấp bộ Đoàn; nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, cộng tác viên, hoạt động của hệ thống các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi trong cả nước đã đạt được những kết quả trên các mặt cụ thể sau:
I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO
1. Trung ương
- Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương luôn xác định hoạt động của hệ thống Nhà Thiếu nhi các cấp là một trong những trọng tâm của công tác Đội, phong trào thiếu nhi; công tác chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động hệ thống Nhà Thiếu nhi bên cạnh việc xây dựng Chương trình riêng, hàng năm đều được đưa vào Chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi của năm học.
- Năm 2012, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương đã chỉ đạo, phối hợp tổ chức thành công nhiều chương trình có quy mô lớn: Liên hoan Văn hóa Thiếu nhi Dân tộc toàn quốc tại Hải Phòng, Liên hoan Búp sen hồng các Nhà thiếu nhi khu vực phía Nam lần thứ XVIII tại Lâm Đồng, Liên hoan Tiếng kèn Đội ta khu vực phía Bắc tại Nam Định, phía Nam tại Quảng Ngãi, tổ chức tập huấn “Giáo dục nhận thức, kỹ năng cho thiếu nhi về phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra” cho cán bộ nghiệp vụ Nhà thiếu nhi các cấp của 22 tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ; tổ chức cuộc thi vẽ tranh toàn quốc “Thiếu nhi Việt Nam với an toàn giao thông”, “Ước mơ của em về một Việt Nam không còn bệnh lao”…
- Nhằm tháo gỡ những khó khăn về cơ chế hoạt động của Nhà Thiếu nhi, năm qua, Hội đồng Đội Trung ương đã chủ động, tích cực phối hợp với các ngành liên quan như Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Bộ Tài Chính, Ban Tổ chức Trung ương Đảng để rà soát, nghiên cứu tiến tới sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý hiện hành, tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đoàn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ trang thiết bị cho 100 Nhà thiếu nhi cấp huyện năm 2012”.
- Tiếp tục tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi cho Ban Chủ nhiệm cho Câu lạc bộ Giám đốc các Nhà Thiếu nhi hai miền Nam - Bắc hoạt động theo hướng chủ động, tích cực và hiệu quả; thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát và tăng cường các hoạt động định hướng, hỗ trợ chỉ đạo khi cần thiết. Năm 2012, việc đi cơ sở nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn của thường trực Hội đồng Đội Trung ương được tăng cường, đảm bảo tính thường xuyên.
2- Các tỉnh, thành phố
- Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội các cấp đã có những nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của hệ thống các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi đối với công tác Đội, phong trào thiếu nhi ở cơ sở. Vì vậy, đã có sự chỉ đạo đồng bộ, tạo sự gắn kết, hỗ trợ giữa hoạt động của Nhà Thiếu nhi với hoạt động Đội, phong trào thiếu nhi trong và ngoài nhà trường; tạo điều kiện cho các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi xây dựng các mô hình phục vụ công tác Đội và phong trào thiếu nhi tại địa phương; lấy Nhà Thiếu nhi làm nòng cốt cho các hoạt động quy mô của thiếu nhi ở địa bàn.
- Nhà Thiếu nhi đã chủ động tham mưu cho các cấp bộ Đoàn, tạo cơ chế phối hợp với các ban, ngành liên quan khai thác nguồn lực, hỗ trợ hoạt động cho Nhà Thiếu nhi để triển khai các chủ trương, chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi tại cơ sở. Nhiều đơn vị đã tạo cơ chế thuận lợi cho công tác xã hội hóa đầu tư, thu hút sự quan tâm chăm lo của toàn xã hội đối với thiếu nhi.
- Các văn bản pháp lý của Trung ương ban hành đối với hệ thống các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thiếu nhi các cấp được cơ sở nghiêm túc thực hiện. Nhà Thiếu nhi cấp tỉnh đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc tham mưu cho Ban Thường vụ Đoàn chỉ đạo xây dựng và quản lý hoạt động của hệ thống Nhà Thiếu nhi các cấp.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Thực hiện chức năng nghiên cứu, hướng dẫn, bồi dưỡng phương pháp hoạt động Đội ngoài giờ lên lớp và ngoài nhà trường, góp phần xây dựng tổ chức Đội vững mạnh
Năm 2012, hệ thống các Cung, Nhà Thiếu nhi trong cả nước đã phát huy tốt chức năng là trung tâm nghiên cứu, tổng kết, hướng dẫn, bồi dưỡng phương pháp công tác Đội, các đơn vị đã đầu tư, nghiên cứu tổ chức nhiều hoạt động góp phần thúc đẩy chất lượng hoạt động Đội, phong trào thiếu nhi trong và ngoài nhà trường ở các địa phương.
Trong năm 2012 hệ thống các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi có nhiều hoạt động tích cực, thực hiện tốt chức năng bồi dưỡng phương pháp công tác Đội. Các hoạt động tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho Giáo viên - Tổng phụ trách Đội được quan tâm tổ chức thường xuyên, liên tục; các Câu lạc bộ Phụ trách tài năng được duy trì thường xuyên, có các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thông qua các Liên hoan phụ trách tài năng cấp tỉnh và khu vực điển hình như: Nhà Thiếu nhi An Giang, Tiền Giang, Ninh Kiều (Cần Thơ), Kiên Giang, Hà Giang, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Trị… Theo thống kê năm 2012, cả nước đã tổ chức hơn 1.618 lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách Đội, thu hút hơn 11.165 Giáo viên - Tổng phụ trách Đội và 10.281 cán bộ phụ trách Đội ở địa bàn dân cư tham gia; tổ chức trên 1.573 lớp tập huấn, trại huấn luyện kỹ năng cho 17.216 em Chỉ huy Đội.
Thế mạnh đặc thù của các Nhà Thiếu nhi năm qua là tiếp tục duy trì hoạt động của các“Đội nghi lễ”. 100% Nhà Thiếu nhi cấp tỉnh duy trì hiệu quả hoạt động của “Đội nghi lễ”. Hoạt động của“Đội nghi lễ” đã góp phần giới thiệu mô hình hoạt động Đội, tham gia thực hiện có hiệu quả các hoạt động chính trị - xã hội tại các địa phương, cũng như các hoạt động của Trung ương diễn ra trên địa bàn, đây là hoạt động được các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao. Các Nhà Thiếu nhi đã tích cực tham gia giao lưu, học tập lẫn nhau về việc phát triển Đội Nghi lễ thông qua các cuộc “Liên hoan tiếng kèn Đội ta” cấp khu vực. Các Đội Nghi lễ hiện nay ở các Nhà Thiếu nhi đã có sự phát triển khá mạnh về số lượng và chất lượng; các Nhà Thiếu nhi có chất lượng hoạt động của Đội Nghi lễ khá đồng đều. Một số Nhà Thiếu nhi cấp huyện đã đầu tư phát triển Đội Nghi lễ chuẩn như Nhà Thiếu nhi Việt Đức (Thành phố Vinh, Nghệ An), Nhà Thiếu nhi Quận Ngô Quyền (Hải Phòng)...
Bên cạnh đó, các mô hình Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ, Câu lạc bộ Quyền trẻ em tiếp tục được duy trì, góp phần phát huy vai trò tự quản, quyền tham gia của các em, nhiều đơn vị sáng tạo xây dựng, xuất bản tờ tin của các Nhà Thiếu nhi với nhiều nội dung phong phú, thúc đẩy công tác truyền thông, vận động thực hiện các Quyền của trẻ em tại cơ sở, góp phần xây dựng tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh vững mạnh như: Nhà Thiếu nhi Phú Thọ, Nhà Thiếu nhi Lào Cai, Nhà Thiếu nhi Bến Tre.... Nét mới trong năm 2012 một số Nhà thiếu nhi đã thành lập và duy trì tốt hoạt động của các Câu lạc bộ mới như: Câu lạc bộ kỹ năng, Câu lạc bộ bạn đọc, Câu lạc bộ phụ trách tình nguyện, Câu lạc bộ cành cọ măng non, Câu lạc bộ múa.... điển hình là các đơn vị: Nhà thiếu nhi Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đồng Nai, An Giang, Bến Tre, Gia Lai, Việt Đức (Nghệ An), Cà Mau, Trung tâm HĐ TTN Kon Tum, Trà Vinh, Nam Định...
* Hạn chế: Trong năm qua hệ thống Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi mới chỉ thực hiện được chức năng hướng dẫn, bồi dưỡng phương pháp hoạt động Đội, việc nghiên cứu, xây dựng và chuyển giao các mô hình mới, cách làm hay trong công tác Đội chưa nhiều.
2. Công tác tập hợp thiếu nhi thông qua việc thực hiện chức năng tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí, tạo môi trường giáo dục thiếu nhi phát triển toàn diện
Trong năm 2012, hệ thống Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm Hoạt động Thanh Thiếu nhi các cấp đã mở rộng nhiều loại hình vui chơi, giải trí phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của thiếu nhi, thu hút đông đảo thiếu nhi tới tham gia, được xã hội ghi nhận ủng hộ. Các hoạt động gắn với các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, của Đảng, của dân tộc, kỷ niệm ngày thành lập Đoàn, thành lập Đội, ngày sinh nhật Bác... các hoạt động liên hoan, biểu diễn văn hoá, văn nghệ, hội trại, lễ hội đường phố được các Nhà thiếu nhi tổ chức công phu, hấp dẫn, thu hút đông đảo các em thiếu nhi và nhân dân trên địa bàn tham gia và cổ vũ. Hoạt động vui chơi, giải trí được các Nhà thiếu nhi tăng cường đầu tư về chất lượng và đa dạng về hình thức, chủng loại các phương tiện phục vụ thu hút các em thiếu nhi vào sinh hoạt. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì và nâng cấp các phương tiện họat động vui chơi giải trí ngoài trời như: Đu quay, cầu trượt, ô tô đụng, trò chơi điện tử...nhiều đơn vị đã mạnh dạn đầu tư các trò chơi mới lạ, phù hợp, hấp dẫn đối với trẻ em như: xây dựng khu vườn vui chơi, vườn cổ tích, phòng chiếu phim 3D, sân chơi khoa học, sân chơi cộng đồng…; phòng máy vi tính có tốc độ truy cập cao, sân thể thao đa năng với nhiều trang thiết bị hiện đại thu hút các em thiếu nhi vào tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Nhiều đơn vị đã chú trọng việc xây dựng thư viện thiếu nhi thông qua Ngày hội đọc sách hay “Vườn trí thức”… trong các Nhà thiếu nhi để thúc đẩy phong trào đọc sách của thiếu nhi trong dịp hè, tăng cường văn hóa đọc cho các em thiếu nhi. Tiêu biểu là các đơn vị: Nhà Thiếu nhi Hà Giang, Sơn La, Hà Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Đồng Nai, Gia Lai, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Bình Dương, Cung Thiếu nhi Hà Nội, Lạng Sơn…
Các hoạt động liên hoan, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, hội trại, hội thi… gắn với các ngày kỷ niệm, sự kiện của đất nước như Tết Nguyên đán, mừng Đảng - mừng xuân, chào mừng Đại hội Đoàn các cấp và Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X... Các hoạt động được tổ chức công phu, hấp dẫn, thu hút đông đảo các em thiếu nhi trên địa bàn tham gia, điển hình như: "Ngày hội thiếu nhi Việt Nam" tổ chức đồng loạt vào ngày 1/6, "Đêm hội trăng rằm" tổ chức đồng loạt vào ngày 14/8 âm lịch tại các Cung, Nhà Thiếu nhi trong toàn quốc đã thu hút hơn 45.387 lượt thiếu nhi đến vui chơi, sinh hoạt. Tiêu biểu là các đơn vị: Nhà Thiếu nhi Hải Dương, Cung Thiếu nhi Quảng Ninh, Nhà Thiếu nhi Lâm Đồng, Nhà Thiếu nhi Long An, Nhà Thiếu nhi An Giang, Nhà Thiếu nhi TP Thái Nguyên, Trung tâm Hoạt động Thanh Thiếu nhi Tỉnh Bình Phước…
Mô hình "Học kỳ trong quân đội", "Học từ thiên nhiên", các lớp tập huấn kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng làm việc nhóm…được các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi triển khai thường xuyên đã tạo sự ủng hộ của các bậc phụ huynh và sự hào hứng tham gia của các em thiếu nhi. Các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ với các nghệ sỹ, nhà văn nhà thơ có nhiều sáng tác dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng được tổ chức thường xuyên, tạo cơ hội giao lưu học hỏi kinh nghiệm, giúp bồi dưỡng tâm hồn và phát triển năng khiếu nghệ thuật cho các em thiếu nhi.
Điểm mới trong hoạt động năm 2012 của hệ thống Cung, Nhà thiếu nhi là việc chú trọng các hoạt động tìm hiểu lịch sử, cội nguồn dân tộc, giúp các em thiếu nhi hiểu về lịch sử, truyền thống của con người Việt Nam, tiêu biểu như : Cuộc thi tìm hiểu lịch sử với chủ đề “Em yêu tổ quốc Việt Nam”, “Nhà sử học nhỏ tuổi” của Nhà Thiếu nhi Bình Thuận, “Tìm hiểu về di sản thế giới Thành nhà Hồ” của Nhà thiếu nhi TP Thanh Hóa… Từ các cuộc thi này đã tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp các em thiếu nhi được giao lưu, học hỏi và thể hiện tài năng, nâng cao tri thức của mình, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng và khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước trong thiếu nhi.
Các cuộc thi Đàn oorgan và thi đàn và hát dân ca, biểu diễn thời trang, liên hoan các ban nhạc, tốp hát, liên hoan múa rối; các hoạt động đồng diễn thể dục, thi đấu thể thao với các bộ môn như: Thi đấu bóng đá mi ni, bóng bàn, thi đấu cầu lông, đá cầu, cờ vua; biểu diễn võ thuật; thi bơi lội; thi thể dục nhịp điệu, cây vợt măng non… được tổ chức thường xuyên ở các Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi. Nhà thiếu nhi cấp tỉnh, thành phố đã phối hợp với Đài phát thanh, truyền hình địa phương duy trì thường xuyên chương trình thiếu nhi trên sóng phát thanh, truyền hình của địa phương, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao, các em thiếu nhi yêu thích. Các Nhà thiếu nhi phía Nam duy trì tốt hoạt động các Đội Múa rối phục vụ trẻ em. Đây là một mô hình phục vụ khá hấp dẫn cho trẻ em. Điểm nổi bật là các Nhà Thiếu nhi cấp tỉnh đã duy trì và mở rộng có hiệu quả hoạt động “Sân chơi cuối tuần” ngày càng hấp dẫn với các em thiếu nhi với nhiều nội dung phong phú. Hoạt động “Sân chơi cuối tuần” không chỉ được duy trì tại cấp tỉnh mà còn được các đơn vị triển khai xuống cấp cơ sở xã phường ở các vùng khó khăn. Các đơn vị thực hiện tốt các hoạt động này là: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà Thiếu nhi Lào Cai, Hà Tĩnh, Phú Yên, Tây Ninh, Ninh Kiều (Cần Thơ), Quảng Trị, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Cà Mau…
Phát huy kết quả của những năm qua, năm 2012 các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm Hoạt động Thanh Thiếu nhi các cấp ngoài việc chú trọng mở các lớp đào tạo trong lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao để tạo phong trào, đã tiếp tục quan tâm đầu tư các bộ môn, các lĩnh vực có tính thiết thực, mang tính chiều sâu, phù hợp với nhu cầu của trẻ em và xu thế phát triển chung như: Mở các lớp học kỹ năng sống, trại huấn luyện kỹ năng thực hành xã hội, các lớp tin học, ngoại ngữ, các mô hình sáng tạo, các hoạt động này được các bậc phụ huynh ủng hộ. Có thể khẳng định các hoạt động trên của hệ thống Nhà thiếu nhi cả nước không chỉ là địa chỉ vui chơi bổ ích, an toàn cho trẻ em, mà còn góp phần không nhỏ vào việc định hướng các nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh cho trẻ em, giúp các em không bị lôi kéo, sa đà vào các tai tệ nạn xã hội.
Các cuộc Liên hoan, giao lưu như: “Liên hoan Tiếng kèn Đội ta” ở 2 miền Băc - Nam; “Liên hoan phụ trách tài năng các nhà thiếu nhi khu vực phía Nam, miền Trung và Tây Nguyên”, “Liên hoan Văn hoá Thiếu nhi Dân tộc các Cung, Nhà thiếu nhi”, “Liên hoan Búp Sen hồng” được các Nhà Thiếu nhi tích cực hưởng ứng, tham gia với chất lượng ngày càng cao. Chỉ tính riêng “Liên hoan Văn hoá Thiếu nhi Dân tộc các Cung, Nhà thiếu nhi” tại Hải Phòng đã có 32 đơn vị và trên 1.000 thiếu nhi tham dự, với gần 200 tiết mục ca - múa - nhạc biểu diễn tham gia liên hoan, đây là một sân chơi văn hóa đa sắc màu, thể hiện tình cảm của thế hệ thiếu nhi Việt Nam hôm nay, góp phần nhỏ bé nhưng rất có ý nghĩa đối với việc bảo tồn, khôi phục và phát triển các hoạt động văn hóa dân tộc, làm phong phú thêm đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần yêu nước của thiếu nhi các dân tộc Việt Nam. Những hoạt động văn hoá này là dịp để các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi có điều kiện được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động, góp phần thúc đẩy hoạt động của hệ thống các Cung, Nhà Thiếu nhi phát triển.
* Hạn chế: Các hoạt động vui chơi, giải trí cho thiếu nhi nghèo, thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thiếu nhi khuyết tật, thiếu nhi có HIV... chưa được các đơn vị tổ chức thường xuyên, liên tục.
3. Thực hiện chức năng phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi
Trong năm qua, công tác phát hiện, bồi dưỡng đào tạo năng khiếu cho thiếu nhi của hệ thống các Cung, Nhà Thiếu nhi tiếp tục được đẩy mạnh. Đây là hoạt động mang tính mũi nhọn, là thế mạnh của các Nhà Thiếu nhi; hoạt động đã đi vào chiều sâu, đa dạng, mamg tính chuyên nghiệp cao trên các lĩnh vực; nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng đã thu hút sự tham gia của thiếu nhi, tạo môi trường thuận lợi để thiếu nhi thể hiện khả năng, phát triển năng khiếu của mình.
Năm 2012, bên cạnh việc chú trọng mở các lớp đào tạo trong lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi đã tiếp tục quan tâm, đầu tư các bộ môn có tính thiết thực, mang tính chiều sâu, phù hợp với nhu cầu của trẻ em và xu thế phát triển của thế giới như: mở các lớp vi tính, tin học, ngoại ngữ, các mô hình sáng tạo, lớp khiêu vũ quốc tế, dân vũ, Aerobic... được các bậc phụ huynh nhiệt tình ủng hộ. Quá trình hoạt động cho thấy, trong năm 2012, vào những thời gian cao điểm như dịp hè, dịp lễ, Tết, nhiều Cung, Nhà Thiếu nhi bị quá tải do số lượng thiếu nhi đến sinh hoạt quá đông như: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà Thiếu nhi TP Hồ chí Minh, Nhà Thiếu nhi tỉnh Thái Nguyên, Kiên Giang, Long An, Khánh Hòa...
Ngoài ra, các Nhà Thiếu nhi đã coi trọng việc nghiên cứu các mô hình đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cho các em thiếu nhi thông qua các đội, nhóm, Câu lạc bộ chuyên, các lớp năng khiếu như: Đội hợp xướng, nhóm Ca khúc măng non, Câu lạc bộ Tin học; ngoại ngữ; võ thuật…các sân chơi mới như: Sân chơi cộng đồng, sân chơi Khoa học vui…chính là hướng đi đúng của các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi trong giai đoạn mới. Ngoài ra các Cung, Nhà Thiếu nhi vẫn duy trì đầu tư xây dựng các lớp học năng khiếu về các loại hình nghệ thuật, thể dục thể thao mang tính truyền thống của văn hoá dân tộc, trò chơi dân gian, góp phần giữ gìn bản sắc, giá trị văn hoá dân tộc, như: các lớp hát dân ca, loại nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, sáo trúc, đàn tranh, đàn nguyệt, võ thuật... tiêu biểu như: Nhà Thiếu nhi Hà Giang, Yên Bái, Bắc Giang, Hưng Yên, Gia Lai, Cao Bằng, Kom Tum, Bình Thuận, Lâm Đồng,Tây Ninh…. Năm 2012, Cung Thiếu nhi Hải Phòng đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành Đoàn đưa nội dung xây dựng đề án phát triển tài năng thiếu nhi vào chỉ tiêu Đại hội Đoàn Thành phố nhiệm kỳ.
Năm 2012, các cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Mái ấm gia đình trong ánh mắt trẻ thơ”, “Thiếu nhi Việt Nam với an toàn giao thông”, “Ước mơ của em về một Việt Nam không bệnh lao”… đã thu hút được đông đảo thiếu nhi trong cả nước tham gia, trong đó phải kể đến một số lượng lớn tranh của các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi. Điều này cho thấy sự vào cuộc nhanh chóng của các Cung, Nhà thiếu nhi cũng như chức năng phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu đã được các Cung, Nhà thiếu nhi thực hiện tốt. Một số Cung, Nhà thiếu nhi đạt nhiều giải cao như: Nhà thiếu nhi Hải Dương, Việt Đức (Nghệ An), Bến Tre, Gia Lai...
Kết quả trong năm 2012, hệ thống các Cung, Nhà Thiếu nhi cả nước đã tổ chức được hơn 9.135 lớp năng khiếu. Tiêu biểu là: Nhà thiếu nhi TP Đà Nẵng, Đồng Nai, Lâm Đồng, Cà Mau, Trà Vinh, Đắk Lắk, Bến Tre, Tiền Giang, TP Hải Phòng, Phú Yên, Bình Phước... các Nhà Thiếu nhi cấp huyện như: NTN TP Thanh Hoá, Nhà thiếu nhi Ninh Kiều (Cần thơ), Nhà Thiếu nhi huyện Phú Quốc (Kiên Giang), NTN quận Thủ Đức, quận 5, (TP Hồ Chí Minh), Nhà Thiếu nhi Quận Ngô Quyền (Hải Phòng)…
* Hạn chế: Cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số Nhà Thiếu nhi đã xuống cấp nên cũng ảnh hưởng phần nào đến chất lượng bồi dưỡng và phát triển năng khiếu cho thiếu nhi. Một số nơi chưa khai thác, sử dụng hết công năng của cơ sở vật chất hiện có phục vụ cho các hoạt động bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi.
4. Các hoạt động Quốc tế và công tác xã hội, nhân đạo, từ thiện
Năm 2012, chào mừng Đại hội Đoàn các cấp và Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện tiếp tục được tổ chức ở hầu khắp các Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi trong cả nước. Nhiều đơn vị đã tổ chức các chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật gây quỹ, trao học bổng, tặng quà, phương tiện đến trường, miễn phí vui chơi và học năng khiếu cho các em.
Năm 2012, hoạt động giao lưu Quốc tế đã được quan tâm đẩy mạnh, từng bước xây dựng tinh thần giao lưu, học tập, tình đoàn kết hữu nghị trong thiếu nhi và phụ trách. Thông qua chương trình, các đại biểu đã được trao đổi kinh nghiệm, học tập cách quản lý, mô hình hoạt động của các trung tâm vui chơi, giải trí dành cho thanh thiếu nhi, tìm hiểu nền văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của các nước. Trong năm qua đã tổ chức được nhiều đoàn đại biểu và phụ trách thiếu nhi Việt Nam đi học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác thiếu nhi với các nước: Lào, Campuchia, Bắc Kinh (Trung Quốc), Matxcơva (Nga), Đan Mạch, Bình Nhưỡng (Bắc Triều Tiền), Hàn Quốc, Singapore… Các tỉnh có đường biên giới đã tổ chức tốt các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với phụ trách và thiếu nhi các nước có chung đường biên giới. Tiêu biểu như Nhà Thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Hội đồng Đội Thành phố tổ chức thành công trại hè thiếu nhi ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi thường xuyên duy trì tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi miễn phí, như: lớp học tình thương, tặng vé xem phim, vé bơi lội miễn phí dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; các buổi giao lưu, biểu diễn văn nghệ cho trẻ em khuyết tật, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; các đợt quyên góp gây quỹ, tặng học bổng, phương tiện phục vụ cho sinh hoạt, học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em gặp thiên tai ở các địa phương, các hoạt động “áo ấm tặng bạn” tiếp tục được duy trì... Nhà Thiếu nhi Cà Mau đã tổ chức “Liên hoan tiếng hát trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”, Nhà Thiếu nhi tỉnh An Giang quyên góp ủng hộ thiếu nhi của 4 huyện nghèo trong tỉnh với tổng số tiền khoảng 60 triệu đồng, Nhà thiếu nhi Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thăm và tặng 50 chiếc xe đạp trị giá 50 triệu đồng cho trẻ em khu bãi rác xã Tóc Tiên… Hệ thống Cung, Nhà Thiếu nhi cả nước năm 2012 đã vận động trao quà tặng và học bổng trị giá hơn 6 tỷ đồng cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước.
Công tác tham mưu trong việc huy động nguồn lực, tổ chức các hoạt động xã hội dành cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa được tổ chức hiệu quả ở các đơn vị Nhà Thiếu nhi trong cả nước, góp phần xã hội hoá công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Các hoạt động xã hội không chỉ dừng lại ở việc thăm hỏi, tặng quà… mà nhiều đơn vị còn giúp đỡ thiếu nhi vùng sâu, vùng xa nâng cao kiến thức về tin học, ngoại ngữ, âm nhạc như: Nhà Thiếu nhi Điện Biên, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Bình Thuận...
* Hạn chế: Việc chăm lo các hoạt động vui chơi, giải trí, tiếp cận với các trò chơi mang tính công nghệ cho thiếu nhi khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo chưa được nhiều. Hầu hết các đơn vị đều chưa quan tâm đầu tư nhiều trong việc phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi dân tộc ở những vùng khó khăn. Công tác xã hội hoá hoạt động tuy có nhiều tiến bộ song vẫn chỉ tập trung ở các thành phố lớn, các khu đô thị đông dân cư, chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của mọi đối tượng thiếu nhi, nhất là thiếu nhi vùng nông thôn.
5. Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ
Năm 2012, bộ máy tổ chức, cán bộ của các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung hoạt động thanh thiếu nhi tiếp tục được kiện toàn, hoạt động đồng bộ; đội ngũ cán bộ lãnh đạo có sự luân chuyển, trưởng thành. Ban Thường vụ Đoàn, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố đã tăng cường chỉ đạo, quản lý đối với các Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi.
Hiện cả nước có 278 Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi; trong đó có 70 Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm Hoạt động Thanh Thiếu nhi cấp tỉnh, 208 Nhà Thiếu nhi cấp huyện.
Về công tác cán bộ, trong năm qua, các Nhà Thiếu nhi đã tiến hành rà soát chất lượng, từ đó điều chỉnh, phân công nhiệm vụ phù hợp với khả năng, năng lực của cán bộ; duy trì đầu tư kinh phí, cử cán bộ dự các lớp tập huấn, đào tạo theo chuyên ngành. Đội ngũ lãnh đạo của hệ thống Nhà Thiếu nhi, nhất là cấp tỉnh đã được nâng lên rõ rệt, có trình độ quản lý và chuyên môn cao, phần lớn có trình độ đại học và sau đại học; đội ngũ lãnh đạo từ cấp phòng trở lên có trình độ đại học. Từ những kết quả hoạt động đạt được trong thời gian qua của các Nhà Thiếu nhi đã phản ánh sinh động chất lượng của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên đang công tác tại các Nhà Thiếu nhi hiện nay.
* Hạn chế: Vai trò tham mưu, công tác chỉ đạo, quản lý của các cấp bộ Đoàn đối với việc đầu tư xây dựng và định hướng hoạt động hệ thống Nhà Thiếu nhi ở một số đơn vị còn yếu, cơ chế hoạt động cho Nhà Thiếu nhi chưa được quan tâm thích đáng dẫn tới chưa phát huy hết tiền năng của Nhà Thiếu nhi.
III. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ
- Ở một số địa phương, vai trò tham mưu, công tác chỉ đạo, quản lý của các cấp bộ Đoàn, Đội đối với việc đầu tư xây dựng và định hướng hoạt động của Nhà Thiếu nhi còn yếu, chưa thường xuyên, liên tục dẫn tới chưa phát huy hết tiềm năng của Nhà Thiếu nhi. Cá biệt, một số nơi còn thiếu sự phối hợp, không định hướng được mô hình hoạt động cho các cơ sở Đội.
- Ở một số đơn vị, nhất là Nhà Thiếu nhi cấp huyện, việc triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương ban hành (Hướng dẫn liên tịch số 15; Quy định 223; thông tư liên bộ 24…) còn thiếu đồng bộ, thiếu tính thống nhất dẫn đến công tác kiện toàn tổ chức bộ máy còn chậm, hiệu quả chưa cao, ảnh hưởng tới hoạt động chung của hệ thống.
- Vẫn còn tình trạng một số Nhà Thiếu nhi hoạt động thiếu sáng tạo, chưa thu hút được đông đảo các đối tượng thiếu nhi đến sinh hoạt; quản lý cơ sở vật chất còn yếu, chưa khai thác theo đúng chức năng của mình, ảnh hưởng tới chất lượng phục vụ thiếu nhi. Một số nơi đã tự đồng hóa việc sử dụng trụ sở của Nhà Thiếu nhi thành trụ sở làm việc của các Huyện đoàn. Việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ còn có sự lệch lạc, có chức năng bị coi nhẹ trong việc tổ chức hoạt động, chưa phát huy hết tiềm năng, vai trò của mình.
- Tình trạng tồn tại một số Nhà Thiếu nhi cấp huyện có quyết định thành lập nhưng không có trụ sở và cơ sở vật chất vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; có nơi chỉ là hình thức, không hoạt động; có nơi được đầu tư xây mới nhưng chưa đưa vào khai thác sử dụng do trình độ cán bộ quản lý không phù hợp với sự phát triển của Nhà Thiếu nhi, cá biệt còn có nơi để cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng hoặc cho thuê, mượn kinh doanh doanh phục vụ không đúng đối tượng thiếu nhi.
IV. NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ
- Nhận thức về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của cấp uỷ, chính quyền, các ngành ở một số địa phương chưa cao, có nơi còn coi nhẹ, giao khoán cho Đoàn Thanh niên. Ở một số nơi, Ban Thường vụ Đoàn còn chưa tạo điều kiện để Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi chủ động trong hoạt động. Một vài đơn vị trực thuộc Ủy Ban Nhân dân các cấp còn thiếu sự chủ động phối hợp với Đoàn Thanh niên trong các hoạt động chuyên môn theo chức năng của mình.
- Sự tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường vẫn là nguyên nhân ảnh hưởng tới việc giáo dục, định hướng giá trị và hình thành nhân cách cho thiếu nhi. Các loại hình hoạt động văn hoá thiếu lành mạnh tiếp tục du nhập, tác động xấu vào thế hệ trẻ; các tệ nạn xã hội, sự chênh lệch về kinh tế, nhu cầu hưởng thụ các hoạt động văn hoá tinh thần giữa các vùng, nhất là giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc với thành phố và đồng bằng ngày càng cao; mặt khác, một bộ phận không nhỏ các bậc phụ huynh coi trọng việc học tập văn hoá của con em, ngại cho các em tham gia hoạt động xã hội.
- Nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần, vui chơi giải trí của thiếu nhi liên tục phát triển; các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện tổ chức hoạt động ở các Nhà Thiếu nhi còn hạn chế về chủng loại, thiếu về số lượng, có nơi còn lạc hậu, không phù hợp và theo kịp với nhu cầu ngày càng cao của thiếu nhi cũng như các bậc phụ huynh, vì vậy chưa thu hút được các em vào tham gia sinh hoạt.
* Đánh giá chung
Năm 2012, trong không khí của tuổi trẻ cả nước thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, hoạt động của hệ thống Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm Hoạt động Thanh Thiếu nhi tiếp tục được khẳng định; góp phần định hướng, thúc đẩy việc tổ chức hoạt động thiếu nhi ở cơ sở, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác chăm sóc, giáo dục và vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng.
Hoạt động của hệ thống Nhà Thiếu nhi có sự thống nhất, đồng bộ, đoàn kết, gắn bó trong và ngoài khu vực; hầu hết các đơn vị đều chủ động vượt khó vươn lên, nỗ lực hoạt động, khắc phục mọi khó khăn, không trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước, đẩy mạnh công tác xã hội hoá hoạt động để Nhà Thiếu nhi thực sự là “Ngôi nhà chung” của trẻ em; là Trung tâm giáo dục ngoài nhà trường, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Hoạt động của Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà Thiếu nhi hai miền Nam - Bắc có sự phối hợp nhịp nhàng, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; các hoạt động giao lưu, học tập mô hình, chia sẻ kinh nghiệm được tổ chức thường xuyên, liên tục, tạo sự gắn kết trong toàn hệ thống. Nhiều hoạt động cấp khu vực được tổ chức khoa học, chuyên nghiệp, sát với tình hình thực tế và điều kiện của từng vùng miền.
Nơi nhận: - Ban Bí thư TWĐ; - Bộ VH,TT& DL, Bộ KH& ĐT; Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ,TB & XH ; Bộ TN và MT; - Các đ/c UV HĐĐTƯ K6; - HĐĐ các tỉnh, thành phố; - NTN, TTHĐTTN các tỉnh, thành phố; - Lưu VP.
|
TM. HỘI ĐỒNG ĐÔI TRUNG ƯƠNG PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
(Đã ký)
Hoàng Tú Anh |