anh bia 1
anh nen
bia 2

Tuổi trẻ thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt chung tay xây dựng đất nước

(Cập nhật: 12/14/2015 8:43:48 AM)

Chiều 12/12, diễn đàn “Thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt chung tay xây dựng đất nước” trong khuôn khổ Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần II, năm 2015 đã diễn ra tại Bộ GD&ĐT với sự tham gia của 50 đại biểu tài năng trẻ là học sinh, sinh viên.

Dự và chủ trì diễn đàn có đồng chí Nguyễn Phú Trường – Trưởng Ban Công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương; đồng chí Bùi Văn Linh – Phó Vụ trưởng Vụ công tác học sinh - sinh viên, Bộ GD&ĐT; PGS.TS Lê Quân – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia.
 
 
Các đồng chí chủ trì diễn đàn thảo luận
Các đồng chí chủ trì diễn đàn thảo luận
 
 
Tại diễn đàn, các tài năng trẻ là các học sinh, sinh viên có thành tích học tập và nghiên cứu khoa học tiêu biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, tâm huyết vào nhiều vấn đề như: tạo môi trường cho tuổi trẻ rèn luyện; đầu tư hơn nữa cho giáo dục; tăng cường giáo dục đạo đức trong nhà trường; tăng cường và đổi mới phương pháp dạy và học môn lịch sử; tăng cường định hướng nghề nghiệp việc làm; xây dựng diễn đàn kết nối tài năng trẻ, kết nối sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học…
 
 
Chú trọng giáo dục đạo đức, lịch sử truyền thống trong nhà trường
 
 
Là thành viên đội tuyển Olympic Tin học quốc tế và từng đạt nhiều giải cao, nhưng Nguyễn Tiến Trung Kiên cho rằng, giải thưởng hay tài năng không phải là vấn đề quan trọng nhất, mà đạo đức, nhân cách con người phải đặt lên hàng đầu. Hiện nay, một số trường học chỉ quan tâm rèn luyện tài năng mà lơ là vấn đề rèn luyện đạo đức cho học sinh. Trong 10 môn học kiến thức chỉ có một môn giáo dục công dân và bản thân môn học này vẫn chưa đảm bảo được vai trò định hướng nhân cách, giáo dục đạo đức cho các bạn trẻ.
 
 
“Em hi vọng các trường quan tâm đến giáo dục đạo đức hơn nữa, giáo dục đạo đức phải đặt lên hàng đầu. Mong rằng, sẽ ngày càng có nhiều gương người tốt việc tốt, bớt đi những những hình ảnh xấu. Với người có tài năng, phải sử dụng tài năng của mình để làm những việc có đạo đức, có ích cho xã hội”, Trung Kiên chia sẻ.
Nguyễn Tiến Trung Kiên chia sẻ về tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, nhân cách trong trường học tại diễn đàn
Nguyễn Tiến Trung Kiên chia sẻ về tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, nhân cách trong trường học tại diễn đàn
 
 
Kiên cũng cho biết, với khả năng về tin học của mình, hiện Kiên đang tổ chức các kỳ thi tin học miễn phí cho tất cả mọi người có nhu cầu.
 
 
Theo bạn Vũ Ngọc Mai – học sinh lớp 12 chuyên Văn, Trường Trung học Thực hành Đại học Sư phạm TPHCM, là môn học mang giá trị ý nghĩa quan trọng nhưng hiện nay, việc dạy và học môn Lịch sử đang bị coi nhẹ, thậm chí còn có ý kiến muốn “xóa sổ” môn học này. Để tránh nhàm chán cho người học, cần đổi mới nội dung sách giáo khoa Lịch sử hiện nay, tránh đưa số liệu mang tính học thuyết, giáo viên nên giúp học sinh hiểu về những trận đánh lịch sử bằng cách phân tích những điểm hay, dở trong chiến thuật; tìm hiểu về người chỉ huy trận đánh,... Ngoài ra cần lồng ghép những vấn đề mang tính thời sự như chủ quyền biên giới, biển đảo Tổ quốc... giúp học sinh vừa tiếp thu kiến thức năng động và hiệu quả hơn, vừa có nhận thức đúng đắn về các vấn đề chính trị - xã hội hiện nay.
 
 
Cần diễn đàn kết nối tài năng
 
 
Theo bạn Bùi Nguyễn Nhật Tiên – học sinh lớp 11 Toán, trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, trong những năm qua, dù công tác công tác chăm lo, bồi dưỡng, đào tạo học sinh - sinh viên tài năng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm hơn, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Đặc biệt, các học sinh - sinh viên tài năng chưa được kết nối, tập hợp với nhau, hoặc nếu có thì nhỏ lẻ, chưa phát huy được hiệu quả, chưa tạo sự lan tỏa mạnh mẽ để tạo nên phong trào rộng lớn trong học sinh, sinh viên. Vì thế, chúng ta chưa thể tận dụng hết khả năng tri thức dồi dào trong giới trẻ.  
 
 
Để làm được điều này, bạn Nhật Tiên đề nghị, cần tổ chức thường xuyên các diễn đàn tài năng chuyên sâu trên toàn quốc hoặc theo cụm để kết nối tài năng trẻ theo từng lĩnh vực. Tại các diễn đàn này, có thể mời các vị giáo sư, tiến sĩ đầu ngành để giảng dạy mở rộng kiến thức chuyên sâu về từng lĩnh vực; tổ chức cho học sinh tài năng giao lưu với học sinh các nước; giao lưu giữa học sinh tài năng với học sinh khác nhằm chia sẻ kinh nghiệm…
Vũ Ngọc Mai đề xuất những thay đổi trong cách dạy và học môn Lịch sử để tránh nhàm chán cho người học
Vũ Ngọc Mai đề xuất những thay đổi trong cách dạy và học môn Lịch sử để tránh nhàm chán cho người học
 
 
Cùng quan điểm, bạn Đỗ Phước Quí – sinh viên ĐH Cần Thơ cho rằng, việc nghiên cứu khoa học của học sinh – sinh viên hiện nay chưa được đẩy mạnh do khó khăn trong xác định ý tưởng, tìm kiếm tài liệu, phát triển và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học hay sự trùng lặp ý tưởng... Từ thực tế đó đòi hỏi phải có một diễn đàn kết nối sinh viên nghiên cứu khoa học và ngân hàng dữ liệu khoa học trực tuyến để kết nối, chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng, thúc đẩy và tạo điều kiện các bạn trẻ nghiên cứu khoa học.
 
 
“Xây dựng Diễn đàn kết nối sinh viên nghiên cứu khoa học và Ngân hàng dữ liệu khoa học trực tuyến là những bước quan trọng đầu tiên cần thực hiện trong tiến trình đẩy mạnh phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng góp phần kết nối thế hệ trẻ, kết nối các nhà khoa học tương lai cùng chung tay góp sức xây dựng đất nước”, Đỗ Phước Quí đề xuất.
 
 
Cần có hoài bão và ước mơ học tập, cống hiến
 
 
Vui mừng gặp gỡ các học sinh, sinh viên tài năng tại diễn đàn, PGS.TS Lê Trọng Hùng – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ GD&ĐT đã chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình với mong muốn củng cố hoài bão và ước mơ của các em, để các em tiếp tục học tập, rèn luyện, cống hiến tài năng và chung tay xây dựng đất nước.
 
 
PGS.TS Lê Trọng Hùng sinh ra và lớn lên trong thời kỳ khó khăn của đất nước, lại xuất thân từ vùng quê nghèo khó, nhờ có ước mơ, hoài bão và nỗ lực phấn đấu vươn lên, thầy đã vượt qua nhiều khó khăn gian khổ để học tập, để nghiên cứu khoa học.
 
 
“Nhìn các gương mặt tài năng trẻ từ khắp mọi miền đất nước tụ hội về đây, các em được báo công dâng Bác, được gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, được nói lên ý kiến, nguyện vọng của mình….thầy cảm thấy rất vui và tự hào. Mong các em tiếp tục thực hiện hoài bão học tập, cống hiến, chia sẻ với đất nước, với dân tộc Việt Nam”,  PGS.TS Lê Trọng nói.
Từ kinh nghiệm du học tại Mỹ, tài năng trẻ Đỗ Nhật Nam cho rằng, giáo dục Việt Nam cần chú trọng hơn tới thực hành
Tài năng trẻ Đỗ Nhật Nam chia sẻ kinh nghiệm bản thân trong quá trình học tập và nghiên cứu khoa học, cũng như du học ở Mỹ
 
 
 
Đồng chí Bùi Văn Linh – Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh – sinh viên, Bộ GD&ĐT cho rằng, những trăn trở, góp ý của các tài năng trẻ tại diễn đàn thể hiện trách nhiệm của các em đối với xã hội, đặc biệt đối với vấn đề giáo dục ở Việt Nam hiện nay. Mong thời gian tới, các em tiếp tục phát huy tài năng và rèn rũa đạo đức, nhân cách sống để chắp cánh cho các em bay xa trong các thành tựu học tập, nghiên cứu, cống hiến nhiều hơn cho đất nước.
 
 

Kết luận diễn đàn, anh Nguyễn Phú Trường – Trưởng Ban Công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương khẳng định, đây là những tấm gương tiêu biểu, những người có thành công nhất định ở độ tuổi còn trẻ. Chia sẻ của các bạn tại diễn đàn đã thể hiện trách nhiệm của các bạn không chỉ với bản thân mà với đất nước. Qua chủ đề thảo luận hôm nay, mong các bạn tiếp tục thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt, tiếp tục phát triển hoài bão, ước mơ của mình để chung tay xây dựng đất nước.

                          Theo website: doanthanhnien.vn