anh bia 1
anh nen
bia 2

Đảm bảo bình đẳng giới là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Đoàn, Hội

(Cập nhật: 3/14/2019 10:55:45 AM)

Đó là khẳng định của đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tại chương trình Đối thoại sinh viên về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ và trẻ em diễn ra sáng ngày 13/3, tại Hà Nội.

Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam trao đổi với sinh viên, thanh niên tại chương trình.


Đảm bảo bình đẳng giới là nhiệm vụ trọng tâm

Theo báo cáo kết quả thực hiện bình đẳng giới của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, tổ chức Đoàn và Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp về tổ chức các hoạt động trong nữ thanh niên giai đoạn 2018 - 2022. Trong đó, tập trung vào các nhóm nội dung như: tuyên truyền, giáo dục về lý tưởng cách mạng, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật trong nữ thanh niên gắn với rèn luyện các phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” của phụ nữ Việt Nam và các kiến thức về giới và bình đẳng giới; hỗ trợ tạo điều kiện cho nữ thanh niên có cơ hội học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ phát triển kỹ năng xã hội và hội nhập quốc tế; hỗ trợ học nghề và tạo việc làm; nghiên cứu đề xuất chính sách của Đoàn, của Hội nhằm tập hợp đông đảo lực lượng nữ thanh niên tham gia tổ chức Hội và tổ chức Đoàn…

Tiêu biểu, trong giai đoạn 2013 - 2015, Đoàn thanh niên đã tổ chức hơn 5.000 hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm cho hơn 695.000 nữ sinh viên. Từ 2015 - 2018, đã có 1.436 hoạt động giới thiệu việc làm được tổ chức; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 1.082.143 sinh viên. Hội Sinh viên Việt Nam ở ngoài nước tổ chức 04 hội thảo hướng nghiệp cho sinh viên đang sinh sống tại các nước.

Tổ chức Đoàn cũng làm tốt vai trò trong việc phối hợp với Hội LHPN các cấp tổ chức các hoạt động đồng hành, hỗ trợ, chăm lo trực tiếp tới đời sống nữ thanh niên công nhân tại các địa phương như: thành lập các CLB chăm sóc sức khỏe sinh sản, CLB nữ thanh niên, CLB không sinh con thứ 3, CLB “5 không, 3 sạch”… Ngoài ra, Đoàn thanh niên các cấp đã tích cực làm cầu nối, giúp cho thanh niên nông thôn tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế được triển khai hiệu quả, phù hợp, không phân biệt đối tượng, giới tính.

Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn, Hội LHTN Việt Nam đã tiến hành các hoạt động phối hợp với các tổ chức nước ngoài thúc đẩy bình đẳng giới, tiêu biểu như: phong trào "HeForShe" được khởi xướng năm 2015 đã thu hút trên 750.000 người hưởng ứng tham gia và đã lan tỏa, triển khai tại nhiều nơi; chương trình Đối thoại thanh niên ASEAN về Bình đẳng giới với sự tham gia của đại diện thanh niên ASEAN (24 thanh niên đại diện cho 10 nước ASEAN trong đó có 6 đại diện Việt Nam) cùng gần 200 thanh niên Việt Nam và các chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ các cơ quan, tổ chức hoạt động về bình đẳng giới; chuyến xe Bus đặc biệt “Hành trình Thanh niên thúc đẩy bình đẳng giới” cùng nhiều hoạt động phong phú …

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cho biết, trách nhiệm tổ chức Đoàn, Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam tham gia hoạt động thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng. Chúng tôi triển khai nhiều việc, nhiều nội dung về cơ chế phối hợp với cơ quan chức năng như: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để tăng cường tuyền truyền và hoạt động cụ thể hỗ trợ cho nữ thanh niên và trẻ em gái ở nhiều vùng miền của đất nước; phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong hoạt động hỗ trợ nữ lao động trẻ, nhất là ở các khu chế suất, công nghiệp. Trong các nội dung công việc, Đoàn luôn xác định phạm vi, đối tượng và các hoạt động cụ thể hỗ trợ nữ thanh niên.

Thông tin về một số hoạt động của tổ chức Đoàn trong hỗ trợ nữ thanh niên học tập, nghiên cứu khoa học, đồng chí Lê Quốc Phong đã chia sẻ, trong nhiều giải thưởng của tổ chức Đoàn, Hội đã có những giải thưởng dành riêng cho các bạn nữ xuất sắc như trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, nhân tố nữ luôn được chú ý trong nhiều giải thưởng của Đoàn.

“Nhiều bạn nữ có thành tích không hề thua kém các bạn nam, thậm chí xuất sắc hơn. Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018 đãn có 6/20 đề cử là nữ, trong đó có 3 nữ là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018…” – đồng chí Lê Quốc Phong nói.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong khẳng định, thời gian tới, Đoàn Thanh niên và tổ chức Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam sẽ tiếp tục có các hoạt động đồng hành, hỗ trợ nữ đoàn viên thanh niên.

 

Các bạn trẻ tham dự đối thoại đã tham gia trao đổi thể hiện ý kiến, nguyện vọng của mình

Tăng cường vai trò của Đoàn, Hội trong bảo vệ phụ nữ và trẻ em

Đối với việc chăm lo, bảo vệ, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho trẻ em gái trong thời gian qua, tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong cả nước đã phối hợp với các bộ ngành và nhiều tổ chức phối hợp triển khai nhiều hoạt động như: Ngày hội thanh niên hưởng ứng chiến dịch truyền thông xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái với khẩu hiệu “Đừng vung tay - Hãy cầm tay” với hơn 1.000 thanh thiếu niên tham gia; tổ chức Diễn đàn trẻ em gái năm 2018 với chủ đề “An toàn với trẻ em gái nơi công cộng” và “Tảo hôn và các hệ lụy” cho gần 100 trẻ em gái đại diện cho 10 tỉnh, thành phố trên cả nước; tổ chức cuộc thi “Thiếu nhi vẽ tranh phòng chống bạo lực giới trong học đường vì mái trường thân thiện" thu được hơn 02 triệu tác phẩm của các em thiếu nhi trên cả nước tham gia…

Theo Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong, trẻ em là đối tượng mà Đảng giao cho Đoàn giáo dục, dìu dắt, tạo môi trường cho các em phát triển toàn diện. Luật trẻ em đã ban hành và dành một điều cho tổ chức Đoàn và rải rác ở nhiều điều khoản khác về vai trò trách nhiệm của tổ chức Đoàn. 

“Trong Đai hội Đoàn XI, chúng tôi cũng dành sự quan tâm đến các em thông qua nhiệm vụ, chỉ tiêu nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn các cấp cũng tổ chức một loạt diễn đàn để lắng nghe ý kiến các em từ đó có những đề xuất tham mưu thiết lập chính sách phù hợp. Chúng tôi tổ chức hoạt động tăng sự quan tâm của xã hội đối với các em. Tổ chức nhiều hoạt động để các em bày tỏ nguyện vọng của mình thông qua hoạt động như vẽ tranh, văn hóa văn nghệ…

Bên cạnh đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có Nhà xuất bản Kim Đồng chuyên xuất bản những cuốn sách dành cho trẻ em, trong đó tập trung làm sách về rèn luyện kỹ năng, chăm sóc bảo vệ các em. Chúng tôi triển khai để làm sao các em tham gia vào hệ thống các Nhà, Cung thiếu nhi để các em có môi trường rèn luyện, khẳng định năng lực, giá trị bản thân của mình” - đồng chí Lê Quốc Phong cho biết.

Khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn cơ sở trong chăm lo, bảo vệ, bồi dưỡng trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cho rằng, các cơ sở Đoàn là một trong những kênh phát hiện kịp thời những vụ việc xâm hại bạo hành trẻ em, những địa phương có xảy ra vụ việc liên quan trẻ em mà tổ chức Đoàn, Đội nơi đó không phát hiện kịp thời phải có trách nhiệm.

Trong thời gian tới, tổ chức Đoàn sẽ tập trung làm tốt hơn những nội dung chăm lo, bảo vệ, bồi dưỡng trẻ em gái và tăng cường nhận thức của tổ chức Đoàn các cấp về vai trò, trách nhiệm với trẻ em; đồng thời, truyền thông nâng cao nhận thức xã hội về chăm sóc giáo dục trẻ em.

Bày tỏ sự quan tâm đến nhóm đối tượng thanh niên khuyết tật, vừa chịu khiếm khuyết về thể chất lại gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi bởi những định kiến và phân biệt, đồng chí Lê Quốc Phong khẳng định: “Các bạn trẻ, sinh viên khuyết tật là đối tượng tổ chức Đoàn, Hội rất cần được quan tâm. Chúng tôi đã có nhiều chương trình đồng hành, hỗ trợ và tư vấn trang bị kỹ năng, tâm lý giúp các bạn khuyết tật tự tin hoà nhập với cộng đồng. Chúng tôi luôn xem các bạn như những người thanh niên bình thường và rất trân trọng mời gọi các bạn tham gia hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội”.

“Tổ chức Đoàn, Hội cũng đã có hoạt động riêng dành cho sinh viên khuyết tật, tôn vinh sự cố gắng, thành tích của các bạn trong cuộc sống; có những sân chơi văn hoá văn nghệ dành cho các bạn khuyết tật… Những hoạt động không chỉ giúp cho các bạn mà còn giúp những người trẻ may mắn hơn có thêm nghị lực để nỗ lực hơn trong cuộc sống. Đối với các bạn nữ thanh niên khuyết tật, sắp tới sẽ có những chuyên đề riêng, môi trường tốt hơn để các bạn có thể tham gia” – đồng chí Lê Quốc Phong nói. 
 

Đối thoại sinh viên về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ và trẻ em là chương trình do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức nhân kỷ niệm 1979 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng; 109 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Tham gia đối thoại có khoảng 500 sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội, trong đó có hơn 60 sinh viên khuyết tật, nhiều bạn là người khiếm thính. 

Tại chương trình, các sinh viên đến từ các câu lạc bộ tranh biện của các trường đại học khác nhau ở Hà Nội đã cùng tranh biện theo phong cách nghị viện Anh để thảo luận về một trong những giải pháp theo chủ đề “Có nên hình sự hóa các hành vi quấy rối tình dục với phụ nữ ở nơi công cộng?”.

Các bạn sinh viên tham gia đối thoại cũng sẽ thể hiện ý kiến cá nhân trong phần tương tác với khán giả (sử dụng smartphone) qua trò chơi kahoot về bình đẳng giới (địa chỉ website: kahoot.it).

Chương trình đối thoại tập trung trao đổi, giải đáp các vấn đề có liên quan tới bình đẳng giới; đồng thời, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tiếp thu những đề xuất, kiến nghị từ sinh viên nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.

 

Doanthanhnien