Xoay quanh hai chủ đề chính là “An toàn với trẻ em gái ở nơi công cộng” và “Tảo hôn và các hệ lụy”, các em gái và đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành cùng trao đổi và chia sẻ về những thực trạng, thách thức, vấn đề mà các em gái đang phải đối mặt hằng ngày trên con đường đến trường và cả trong quá trình phát triển.
|
Các em gái dân tộc thiểu số trình bày về tình trạng tảo hôn mà các em đang phải đối mặt |
Tại diễn đàn, 100 em gái được chia thành 4 nhóm, trong đó 2 nhóm chia sẻ về vấn đề “An toàn với trẻ em gái ở nơi công cộng” và 2 nhóm chia sẻ về vấn đề “Tảo hôn và các hệ luỵ”. Các nhóm lần lượt trình bày các chủ đề, thông điệp của nhóm bằng hình thức sân khấu hóa qua các tiểu phẩm và bài thuyết trình. Từ đó, thể hiện cách nhìn của các em, khả năng tư duy, hùng biện tự tin và nhận thức của các em đối với vấn đề an toàn của trẻ em gái tại nơi công cộng và vấn nạn tạo hôn.
Các trẻ em gái đã đưa ra những thông điệp: An toàn cho trẻ em gái là an toàn cho tất cả mọi người; không để trẻ em sinh ra trẻ em; chúng em không muốn lấy chồng ở tuổi đến trường... Các em cũng đề xuất cần xây dựng không gian, công trình vui chơi giải trí dành riêng cho trẻ em gái; tăng cường sự an toàn bằng cách lắp đặt thêm các camera giám sát tại các điểm vui chơi, giải trí; lắp thêm đèn chiếu sáng; in thông tin, số điện thoại của các đơn vị hỗ trợ trên bìa vở; xây dựng thêm nhiều diễn đàn để trẻ em có thể bày tỏ tiếng nói, nguyện vọng của mình...
Trong phiên đối thoại trực tiếp, 12 câu hỏi liên quan đến vấn đề xây dựng khu vui chơi an toàn cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái; biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi vấn đề xâm hại tình dục bởi những người trong gia đình; giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em khuyết tật khỏi vấn đề xâm hại tình dục; vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em được sinh ra bởi những bà mẹ trẻ em (đặc biệt ở miền núi); hỗ trợ để trẻ em tảo hôn được quay lại trường học; đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em trong nhà trường; cấp giấy khai sinh cho con của các cặp vợ chồng tảo hôn... đã được các em gái đưa ra với đại diện các cơ quan của Quốc hội, bộ, ngành, đoàn thể.
|
Em Hồ Thị Thủy khóc khi nói về nạn tảo hôn ở quê mình |
Để tạo môi trường vui chơi lành mạnh, phát triển toàn diện cho thiếu niên, nhi đồng, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương khẳng định, thiết chế văn hoá, các điểm vui chơi cho trẻ em vùng sâu, xa là hết sức quan trọng, vì vậy cần đầu tư nhiều nguồn lực hơn. Trong nhiệm kỳ này, tổ chức Đoàn đặt chỉ tiêu xây mới ở mỗi xã, phường, thị trấn một điểm vui chơi, giải trí cho thiếu niên, nhi đồng; đồng thời cũng yêu cầu thực hiện đổi mới, sáng tạo trong hoạt động của các Cung, Nhà thiếu nhi để thu hút các em.
Về vấn đề bảo vệ an toàn cho trẻ, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, trước hết, cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống, tự bảo vệ và kỹ năng dám lên tiếng của các em gái. Trong đó, cần có những chương trình, giáo trình giáo dục kỹ năng sống thực sự thiết thực, cụ thể và hấp dẫn các em. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, người bảo vệ các em tốt nhất không ai khác chính là cha mẹ và người thân trong gia đình. Và chính phụ huynh cần phải học các kỹ năng để bảo vệ con mình.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị các em: “Tuyệt đối không được im lặng, không xấu hổ. Khi bị xâm hại và các hành vi liên quan đến quấy rối tình dục, các em hãy mạnh dạn nói với những người ở gần mình nhất là cha, mẹ, người thân trong gia đình, rồi hãy tìm đến các tổ chức xã hội để được bảo vệ, trong đó có tổng đài quốc gia trẻ em 111”.
|
Đại diện Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn và tổ chức Plan International Việt Nam trao đổi, trả lời câu hỏi của các em gái tham dự Diễn đàn |
Theo đồng chí Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, điều quan trọng nhất là trẻ em cần biết mình phải làm gì trong những trường hợp cụ thể; quyền của trẻ em được quy định trong Luật như thế nào; khi cần trợ giúp thì liên hệ với đơn vị nào?... Khi có vấn đề cần trợ giúp, các em có thể phản ánh nhanh nhất với các cơ sở Đoàn, Đội nơi mình sinh hoạt, học tập hay với cha mẹ.
Về tình trạng tảo hôn, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà khẳng định, tảo hôn là vi phạm pháp luật và xâm phạm quyền trẻ em. Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp các tổ chức chính trị, xã hội vận động, tuyên truyền cộng đồng, gia đình, xã hội bãi bỏ hủ tục lạc hậu này. Bộ cũng đang hoàn thiện, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về trẻ em, trong đó có mục riêng về vấn đề tảo hôn.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội và một số bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, trẻ em gái... đã cùng nhau ký cam kết vì quyền trẻ em gái.
|
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương cùng các đại biểu và các em gái ký cam kết vì quyền trẻ em gái |
Diễn đàn trẻ em gái năm 2018 do Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm hưởng ứng ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10.