Cội nguồn văn hoá Hồ Chí Minh
(Cập nhật: 5/19/2016 11:32:08 AM)
Hồ Chí Minh là tấm gương thanh cao về nếp sống giản dị, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, dĩ công vi thượng.
Mỗi lần nói những lời trìu mến, thân thương về Bác Hồ kính yêu; mỗi dịp kỷ niệm Ngày sinh của Người, chúng ta, bạn bè ta, nhất là các nhà nghiên cứu, thường nêu câu hỏi: Những gì đã tạo dựng, đã hun đúc nên thiên tài Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới? Gia đình, quê hương, đất nước có vai trò như thế nào trong việc hình thành nhân cách, trí tuệ, bản lĩnh, tầm vóc văn hóa của Người? Tại sao ở trong con người Hồ Chí Minh lại kết hợp hài hoà, phong phú, bền chặt nhiều phẩm chất cao quý đến như vậy: Một người yêu nước, thương dân hết mực; một chiến sỹ đấu tranh không mệt mỏi để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người; một lãnh tụ cộng sản xuất sắc, nhân hậu, được nhiều người, nhiều dân tộc ngưỡng mộ, tôn vinh; một người hiền của mọi thời đại.
Quê Bác nằm ở hạ lưu Sông Lam của xứ Nghệ, nơi hội tụ của các trung tâm văn hoá vùng Bắc Trung Bộ; nơi phát tích nhiều nền văn hoá cổ, một vùng văn hoá - dân tộc học đặc sắc. Cụ nghè Nguyễn Xuân Ôn, một trong những lãnh tụ xuất sắc của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX từng ca ngợi quê hương mình: “Non nước châu Hoan đẹp tuyệt vời/Sinh ra trung nghĩa biết bao người”.
Bác Hồ về thăm quê hương lần thứ nhất, năm 1957 (Ảnh tư liệu) |
Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông hung bạo từng tung hoành vó ngựa xâm lăng suốt cả một vùng đất rộng dài từ Á sang Âu, khi đất nước ở vào tình thế nước sôi lửa bỏng, ngàn cân sợi tóc, vua Trần Nhân Tông vẫn tin tưởng: “Cối Kê cựu sự quân tu ký, Hoan Diễn do tồn thập vạn binh” (tạm dịch: chuyện cũ Cối Kê ngươi nên nhớ, Hoan Diễn kia còn chục vạn binh). Nhìn trong lịch sử dân tộc, những tên tuổi lớn như Mai Hắc Đế, Hồ Quý Ly, Nguyễn Huệ - Quang Trung, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ...hoặc sinh trưởng hoặc thành danh ở nơi này. Ở thời hiện đại, cùng với Hồ Chí Minh, nhiều nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái, Lý Tự Trọng, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Sĩ Sách,…cũng là những người con ưu tú của đất Hồng Lam.
Bác Hồ sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học nguồn gốc nông dân. Ông Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ Bác, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được cụ giáo Hoàng Đường đưa về nuôi dưỡng, cho ăn học, rồi gả người con gái yêu đầu lòng. “Cháu bên nội, tội bên ngoại” (tội ở đây là là làm khổ, làm tội - cách nói dân dã), nếu vận vào anh chị em Bác, quả là không thể có câu thành ngữ nào “đắc địa” hơn.
Ông Nguyễn Sinh Sắc, dù đậu Phó bảng, dù được bổ làm quan vẫn trước sau quan niệm: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ hựu nô lệ” (quan trường là nô lệ trong đám người nô lệ nên càng nô lệ hơn). Chị gái của Bác - bà Nguyễn Thị Thanh; anh trai Bác - ông Nguyễn Sinh Khiêm, đều được học hành chu đáo, tham gia các hoạt động yêu nước, đều bị chính quyền thực dân, phong kiến cầm tù, quản chế. Truyền thống vẻ vang của quê hương và gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến tuổi ấu thơ của Bác, đến việc hình thành nhân cách, tư tưởng, đạo đức của Bác.
Sau này, trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước, được hoà mình trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc; được tiếp xúc với chủ nghĩ Mác - Lê nin và ánh sáng cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển truyền thống văn hoá, yêu nước và cách mạng của dân tộc, của quê hương lên tầm cao mới: chủ nghĩa yêu nước mang nội dung nhân bản sâu sắc; giải phóng dân tộc đi liền với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người; đề cao con người là nhân tố quyết định của lịch sử; cách mạng dân tộc, dân chủ phải phát triển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, sức mạnh dân tộc phải gắn liền với sức mạnh thời đại, đặc biệt coi trọng vai trò “là gốc”, “là người chủ” của nhân dân, sức mạnh to lớn đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là những đóng góp hết sức quan trọng của Người đối với giá trị văn hoá Việt Nam và cả nhân loại.
Người làm thơ, viết văn, viết báo, chụp ảnh, ký hoạ có khi là để mưu sinh, nhưng cao hơn là để phong phú hóa, thanh bạch hóa cuộc sống thường nhật gian khổ, khó khăn của mình, là để phục vụ cách mạng. Trong thơ văn, Người hay dùng tục ngữ, ca dao, dân ca, lối nói ví von, so sánh sinh động, dễ hiểu của nhân dân lao động. Người yêu mến và say sưa nghiên cứu các tác phẩm văn chương cổ điển của Việt Nam, Trung Quốc, Pháp và các nước khác. Người nhắc nhở mình và mọi người “Nay ở trong thơ nên có thép, nhà thơ cũng phải biết xung phong”.
Văn chương, thơ ca của Người giản dị, chân chất, nhân văn như tính mộc mạc, đằm thắm của người Nghệ, lại có cái sâu sắc, thâm thuý, uyên bác của các nhà hiền triết phương Đông, phương Tây; cổ điển và hiện đại, xứ sở và dân tộc, bình dân và bác học.. hoà quyện một cách nhuần nhuyễn, sinh động, tài tình.
Trên con đường hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân lên hầu khắp các châu lục, nhiều quốc gia, nhiều nền văn hoá, thông thuộc nhiều thứ tiếng nước ngoài. Vậy mà, một đêm ở Thái Lan xa xôi, Người thốt lên “Xa nhà chốc mấy mươi niên/Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con”. Người vẫn giữ cho mình giọng Nghệ nằng nặng, trầm ấm, chân chất, vang vọng của quê nhà
Sau hàng chục năm xa quê, ngày trở lại, Người xúc động nói: “Quê hương nghĩa trọng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Người không quên lối đi nhỏ vào nhà ngày xưa nơi có hàng râm bụt, cây bưởi, luống rau, luống lạc trước nhà, cây mít, hàng cau phía sau, chiếc võng tuổi thơ, chiếc rương gỗ nhỏ - của hồi môn ít ỏi của mẹ, khung cửi của bà, của mẹ, chiếc phản gỗ và mấy pho sách của cha, những câu chuyện kể của ông bà…
Bác Hồ về thăm làng Sen năm 1961 (Ảnh tư liệu) |
Quê hương Người, như đã nói, có rất nhiều truyền thống quý báu, mang đặc trưng văn hoá xứ Nghệ khó lẫn. Tuy nhiên, con người và vùng đất ấy cũng có những hạn chế, nhược điểm khó tránh khỏi. Nhà văn, nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai - cũng là một ông đồ Nghệ, thâm thuý văn hoá Đông, Tây đã nói rất đúng, rất sâu sắc điểm yếu này. Đôi lúc, trong không khí đầm ấm, chân tình với bà con, đồng chí quê hương, Hồ Chí Minh thường gọi đùa, nói đùa “dân choa”, “nhà choa”.
Hồ Chí Minh là tấm gương thanh cao về nếp sống giản dị, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, dĩ công vi thượng. Nếp sống đó không chỉ có ở Người khi hoạt động cách mạng bí mật, gian khổ, hiểm nguy mà vẫn vẹn nguyên khi Người đã là Chủ tịch nước yêu kính của dân tộc, được bạn bè quốc tế nể trọng. Quên mình, chí công vì một lẽ: Người luôn đặt lợi ích của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân lên trên hết, chăm lo từng điều nhỏ cho đồng bào, đồng chí sống gần Người. Và đẹp đẽ, kỳ diệu thay, những đồng chí, học trò, người dân sống gần Người, đã rất tự nhiên, tiếp nhận, thẩm thấu, bồi lắng, dày dặn chất văn hoá, nhân văn, nhân bản Hồ Chí Minh.
nguonvov.vn
Tin tức khác
- Đồng Tháp: Tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác
- Vĩnh Long tổ chức tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác gắn với diễn đàn Tôi yêu Tổ quốc tôi năm 2016
- Thăm, tặng quà quân và dân tại huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận
- Lưu diễn nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” tại huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận
- Việt Nam tham gia cuộc thi, triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng chế trẻ Châu Á tại Malaysia
- Bình Dương: Khen thưởng 30 anh, chị là giáo viên - Tổng phụ trách Đội
- Cần tập trung phát triển kinh tế biển, gắn với việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo
- Hà Nội: Lễ mít tinh kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh
- Hà Nội: Hội thảo nâng cao chất lượng công tác Đội và phong trào thiếu nhi
- Chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” và các hoạt động an sinh xã hội tại Tuy Phong
- Em Nguyễn Quý Linh giành giải đặc biệt cuộc thi Sưu tầm và tìm hiểu tem Bưu chính 2016
- Ưu tiên giải quyết việc làm thanh niên
- Trao giải cuộc thi viết và sáng tác ca khúc Sinh viên Việt Nam - Những câu chuyện đẹp
- Đồng chí Lê Quốc Phong: Đầu tư thủy lợi, đưa nước về cho người dân vùng hạn
- Bí thư Đinh La Thăng viếng giáo viên kiêm Tổng phụ trách Đội tử vong vì tai nạn giao thông