anh bia 1
anh nen
bia 2

Những phong tục ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam

(Cập nhật: 12/30/2015 11:10:59 AM)

Những phong tục ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam

Người Việt là một trong những dân tộc ở Đông Nam Á giữ được rất nhiều phong tục, nét văn hóa cổ truyền của dân tộc. Cùng chúng tôi kể lại những phong tục ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam nhé!
 

1. Tống cựu nghênh tân Tục lệ này đơn giản và không cần nghi thức gì. Đó chỉ là thời điểm mọi người quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi. Các thành viên trong gia đình sắm sửa quần áo mới, mua đồ trang trí, lễ vật trên bàn thờ... hoặc cùng hàng xóm dọn dẹp đường phố, đình chùa.

2. Lễ rước vong linh ông bà Chiều ba mươi tết (hoặc ngày 29, nếu tháng chạp thiếu), người ta cúng để mời linh hồn tổ tiên và những người thân đã mất về ăn tết cùng con cháu. Ðúng giữa đêm trừ tịch, lúc chuyển từ năm cũ sang năm mới thì cúng giao thừa để tiễn năm cũ và đón năm mới. Lễ cúng này được bày ngoài trời hay trước cửa ra vào để cúng trời đất, cầu xin bình an may mắn. Thông thường, đúng giờ giao thừa thì các chùa đều gióng chuông báo hiệu, và rồi mọi nhà đều đốt pháo. Đây là dịp cả gia đình quây quần tưởng nhớ đến các vong linh ông, bà, tổ tiên... và cùng nhau kể chuyện năm cũ, ước nguyện năm mới. Ðến ngày mồng ba thì cúng đưa tức tiễn đưa linh hồn những người mà ta đã mời về ăn tết chung. Về mặt nghi lễ, ngày tết đến đây là chấm dứt. Ở nước ngoài, nhiều gia đình Việt vẫn còn giữ tục lệ này, chỉ không thể đốt pháo mà thôi.

3. Xông nhà (hay "xông đất") Người Việt ta có tục xông nhà rất thú vị.  Đây là một trong những  phong tục ngày Tết Việt Nam của các gia đình. Đầu năm mới mà người đầu tiên bước vào nhà mình sẽ đem đến vận hên, xui cho gia đình suốt cả năm đó. Vì thế, những ai "nặng vía" thì phải chú ý vì nếu lỡ đến nhà ai sớm, mà trong năm đó người ta gặp chuyện gì không may sẽ "đổ" tại mình "vía không tốt". Và trong những ngày giáp Tết, gia chủ sẽ tìm người nào "nhẹ vía" và hợp tuổi với chủ nhà để nhờ xông đất. Cũng có khi không tìm được ai, chủ nhà sẽ tự mình xông nhà cho chính họ.

4. Hái lộc Sau những giờ phút đầu tiên của năm mới, mọi người sẽ cùng nhau đi hái lộc. Hái lộc thường diễn ra tại các đình, chùa. Khi đến đây, mỗi người sẽ hái một cành cây non và mang về nhà như một sự "rước lộc". Bởi ai cũng hy vọng năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, may mắn và hạnh phúc.

5.  Chúc thọ, chúc Tết Sáng sớm mùng Một Tết là lúc con cháu trong nhà tỏ lòng hiếu thảo qua việc chúc thọ ông bà, cha mẹ. Người Việt quan niệm rằng cứ mỗi độ Xuân về là mọi người đều thêm một tuổi, không kể sinh vào ngày nào, tháng nào. Chính vì vậy mà lời chúc luôn được đón nhận nhiều nhất vẫn là "Sống lâu trăm tuổi", trường thọ. Chúc thọ của người Việt trong ngày đầu năm mới thể hiện nét đẹp văn hóa ứng xử. Đó là dịp để mỗi người con, người cháu bày tỏ tình cảm, lòng hiếu thảo, kính yêu đến ông bà, cha mẹ và những người xung quanh. Trong những ngày Tết, làng xóm, bạn bè nô nức đến thăm nhau, chúc nhau sức khỏe, vạn sự như ý, an khang thịnh vượng, phát tài tài phát lộc... Đây cũng là dịp gắn kết mọi người với nhau, những cái bắt tay dường như đã xóa hết sự hiểu lầm, hờn giận của năm cũ và mời nhau ly rượu nồng ấm để hướng đến những điều tốt đẹp trong năm mới.

6 . Lì xì "Lì xì" nguyên là chữ "lợi thị" (tiền bạc, lợi lộc) trong Hán tự. Ông bà cha mẹ sẽ chuẩn bị một ít tiền cho vào phong bao màu đỏ trơn hoặc có hoa văn vàng trông rất bắt mắt để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích và dành những lời chúc hay nhất đến bọn trẻ như hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, ngoan ngoãn...

7. Quà Tết, lễ Tết Đi chúc Tết kèm theo những món quà, giỏ quà là điều vô cùng quý, đặc biệt là những ngày trước Tết. Bởi dù to hay nhỏ món quà ấy đều thể hiện mối ân tình, sự biết ơn và tôn kính. Các cụ ngày xưa đã có câu "Lời chào cao hơn mâm cỗ", vì vậy chúng ta không nên lạm dụng quà Tết, lễ Tết để thể hiện "cho được" tình cảm của mình với người thân, bạn bè, làng xóm... Tình cảm phải thực từ tâm, những lời chúc ý nghĩa, ly rượu thơm nồng chan chứa tình cảm, cái bắt tay hay vòng tay siết chặt... tất cả đều thể hiện nét đẹp văn hóa trong phong tục ngày Tết cổ truyền dân tộc.

8.  Xuất hành Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm mới. Người ta tin rằng hướng đi này sẽ có ảnh hưởng tới tương lai của mỗi người trong năm sắp tới. Cho nên, theo tuổi tác của mình, mỗi người xem sách lịch do những nhà bói toán viết ra để chọn hướng đi và giờ bắt đầu cho thích hợp. Tục lệ này có vẻ hoang đường, ngày nay nhiều người không còn tin theo. Hơn nữa, cửa nhà và đường sá ngày nay được xây dựng theo phương hướng cố định, chúng ta khó mà chọn được hướng đi như trong sách lịch nói.

9. Tục kiêng kỵ ngày Tết Kiêng (hay kiêng kỵ) là những điều không được làm. Trong những ngày Tết, những điều gì xấu đều phải kiêng. Sau đây là một số điều thường được kiêng: - Quét nhà, đổ rác (vì sợ quét, đổ đi những điều may mắn) - Nói những điều tục tĩu - Mặc quần áo trắng (sợ có tang) - Nói tới những chuyện chết chóc, nói những điều xui xẻo   Còn rất nhiều điều kiêng kỵ khác mà ngày nay đã dần mai một đi nhiều. Nếu muốn tìm hiểu các bạn có thể tìm hiểu những điều kiêng kỵ ngày Tết ít người biết ở Việt Nam. Ngoài các phong tục trên, ngày         Tết Việt Nam còn rất nhiều phong tục khác truyền thống và ý nghĩa hơn như dựng câu nêu, viết câu đối đỏ, chuẩn bị mâm cổ cúng ông Táo quân đưa ông Táo về trời, hay đi chùa cầu bình an đầu năm mới.. Tuy đã có nhiều mai một nhưng nhìn chung người Việt Nam vẫn còn gìn giữ được rất nhiều phong tục truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc. Thế hệ trẻ hôm nay phải biết hướng về cội nguồn để cùng gìn giữ những nét văn hóa lâu đời này. Chúc mừng năm mới!

                                                                                                                  Sưu tầm: Kim Kính