Gieo mầm ước mơ cho trẻ em vùng cao về một thế giới không định kiến
(Cập nhật: 10/16/2022 3:58:22 PM)
“Có thêm kiến thức về bình đẳng giới sẽ giúp các em có thêm động lực học tập để theo đuổi những đam mê của mình” - Cô Hoàng Thị Oanh, chủ nhiệm lớp 5A, trường tiểu học Bản Lầu (Mường Khương, Lào Cai) chia sẻ.
Về công tác tại trường Bản Lầu 5 năm, cô Oanh đã nâng những bước chân đầu đời của hàng trăm học sinh trên con đường tri thức, trong đó không ít em là người dân tộc thiểu số. Trong những năm gần đây, số học sinh dân tộc thiểu số được đi học đã tăng dần lên, tuy nhiên, nguy cơ phải nghỉ học của các em vẫn tồn tại do gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có xu hướng lựa chọn giới tính cho con đi học. Việc giáo dục sớm cho các em về bình đẳng giới sẽ dần thay đổi tư tưởng phân biệt giới tính và gieo mầm ước mơ cho các em về một xã hội không định kiến.
Trong sự kiện “Trại mùa thu – Trẻ em tiên phong vì bình đẳng giới”, cô Oanh rất vui mừng khi các em đã tự tin phân biệt các khái niệm giới và giới tính, định kiến giới, khuôn mẫu giới và nhận diện được những định kiến và khuôn mẫu giới đang tồn tại trong gia đình, trường học và cộng đồng xung quanh.
40 bức tranh trong hoạt động “Vẽ ước mơ tôi” là sự thể hiện rõ nhất về sự thay đổi trong cách suy nghĩ của các em về việc theo đuổi nghề nghiệp yêu thích mà không lo ngại về vấn đề giới tính.
Là tác giả của bức tranh một nữ bác sĩ, Hoàng Thị Tuyết Nhi, học sinh lớp 5A, dân tộc Mông chia sẻ: “Con muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho tất cả mọi người. Mọi người hay nghĩ là bác sĩ nam giỏi hơn bác sĩ nữ nhưng con nghĩ chỉ cần cố gắng học tốt thì ai cũng có thể trở thành bác sĩ giỏi”.
Trước đó, Nhi và các bạn đã tham gia các trò chơi trải nghiệm về định kiến giới trong các ngành nghề. Những hình ảnh bác sĩ nam và y tá nữ thường gặp trong sách báo vô tình thúc đẩy các định kiến về việc giới tính gắn liền với nghề nghiệp. Thay vì cho rằng chỉ có nam mới làm được bác sĩ, còn nữ chỉ phù hợp với y tá, các thầy, cô đã định hướng cho các bạn nhỏ hiểu: dù là nam hay nữ cũng có thể làm ngành nghề này. Tương tự như vậy, khi nhắc đến chiến sỹ công an, các em đã chuyển cách nói thành “các cô, chú công an” thay vì chỉ đề cập “chú công an” như trước đây.
Những khuôn mẫu hay định kiến giới như con gái giỏi việc chăm sóc gia đình, con trai cần phát triển sự nghiệp vẫn đang len lỏi trong cuộc sống của người dân vùng cao. Vì những định kiến sai lầm đó mà nhiều em nhỏ bỏ học từ sớm, thậm chí là tảo hôn. “Song song với việc khuyến khích học sinh đến trường đầy đủ, việc giáo dục về bình đẳng giới như hoạt động này thực sự cần thiết trong việc loại bỏ những hủ tục đó” – cô Oanh cho biết.
Cô Oanh và hơn 10 thầy, cô của trường Tiểu học Bản Lầu là những người điều hành tích cực trong các hoạt động của “Trại mùa thu”. Trước đó, toàn bộ các thầy, cô của trường đã tham gia khóa tập huấn “Nhạy cảm giới trong giảng dạy” do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) tổ chức vào tháng 7. “Trại mùa thu” là cơ hội để các thầy, cô thực hành tổ chức các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới cho học sinh ngay tại trường.
7 hoạt động trải nghiệm hấp dẫn đã từng bước giúp 40 học sinh dân tộc thiểu số “phá vỡ vòng tròn định kiến” trong tiềm thức của các em từ trước đến nay. Sự chung tay của các thầy, cô sẽ là kim chỉ nam dẫn lối cho các em vững vàng trên con đường theo đuổi ước mơ của mình.
“Trại mùa thu” thuộc Sáng kiến "Phá vỡ vòng tròn định kiến" - đại diện duy nhất của Việt Nam nhận tài trợ của Chương trình Tài trợ nhỏ của Mạng lưới Tập huấn viên về Giới khu vực Châu Á (2022 AGenT SGP). Đây cũng là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Trường học hạnh phúc” - phối hợp thực hiện giữa VSF và MSD United Way.
thieunien.vn