anh bia 1
anh nen
bia 2

Lời khuyên khi giao việc cho nhân viên

(Cập nhật: 5/18/2017 7:31:11 PM)

Giao việc là một nhiệm vụ của người quản lý nhằm giảm bớt phần việc của chính mình và tạo cơ hội để nhân viên thể hiện năng lực cũng như phát triển các kỹ năng. Tuy nhiên, không phải người sếp nào cũng biết giao việc cho cấp dưới một cách hiệu quả.

Dưới đây là một số lời khuyên giúp người quản lý hoàn thành xuất sắc trách nhiệm giao việc cho nhân viên:

Thoải mái khi giao việc

 Nhiều người quản lý mắc phải hội chứng “Tự mình làm sẽ nhanh hơn và tốt hơn” nên hạn chế giao việc cho nhân viên. Làm như vậy là bạn đang làm khó cho chính mình và nhân viên. Thay vào đó, hãy giao việc cho nhân viên với tư tưởng thoải mái và cởi mở hơn.

Xác định kết quả mong muốn ở mỗi nhiệm vụ

Trước khi giao việc cho nhân viên, bạn cần xác định cụ thể, rõ ràng kết quả mình muốn nhận lại như doanh số bán hàng bao nhiêu, kết nối thêm bao nhiêu khách hàng… Nhiều người quản lý cảm thấy thất vọng trước kết quả nhân viên đem lại sau mỗi lần giao việc trong khi chính bản thân họ cũng không rõ mình muốn nhận được gì.

Giao việc cụ thể cho nhân viên

 Khi giao việc cho nhân viên, đừng kiệm lời hỏi anh/ cô đã hiểu rõ hướng dẫn của bạn hay chưa và còn thắc mắc gì hay không. Đặc biệt, bạn phải rõ ràng về thời hạn thực hiện và hoàn thành công việc. Hãy để nhân viên giúp bạn tìm ra biện pháp giao việc hiêu quả nhất.

Theo dõi tiến trình thực hiện

Hãy thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện việc đã giao, nhưng không phải hỏi nhân viên theo từng giờ, từng phút. Nếu công việc được thực hiện trong 1 tuần, hãy kiểm tra với nhân viên sau 3 ngày. Đặc biệt, bạn nên hỏi rằng “Tiến độ công việc thế nào?”, thay vì “Anh/ chị đã làm xong việc chưa?”. Câu hỏi sau sẽ gia tăng thêm áp lực cho nhân viên.

Cho phép nhân viên làm việc theo cách riêng của họ

Điều bạn cần quan tâm là kết quả chứ không phải phương pháp. Nếu tạo điều kiện cho nhân viên thực hiện cách làm riêng của mình, bạn sẽ thấy họ năng suất, sáng tạo và năng động hơn. Ngược lại, ép buộc nhân viên làm theo cách của bạn sẽ khiến họ gò bó, bị hạn chế và không thể mang lại hiệu quả cao nhất.

Tránh cầu toàn

Nếu kết quả công việc bạn nhận lại được từ nhân viên không như kỳ vọng của mình, hãy thảo luận với người đó để tìm ra những điểm chưa tốt và rút kinh nghiệm cho lần sau. Còn nếu kết quả vẫn có thể chấp nhận được, hãy khích lệ nhân viên bằng cách nói: “Kết quả này khá ổn nhưng lần sau tôi muốn…” Bắt nhân viên làm đi làm lại công việc có thể chấp nhận được là hành động làm sụt giảm nhuệ khí và lãng phí thời gian.

Khen ngợi khi nhân viên làm tốt

Những lời khen ngợi với kết quả tốt dù chỉ là việc nhỏ sẽ là “liều thuốc bổ” đối với nhân viên, giúp họ có thêm động lực và làm việc nhiệt tình hơn. Vì vậy, đừng quên thể hiện sự đánh giá cao của bạn trước hiệu quả công việc tốt của cấp dưới.

Theo Dân Trí