anh bia 1
anh nen
bia 2

Kỹ năng tổ chức dạy hát tập thể cho thiếu nhi

(Cập nhật: 3/3/2015 8:57:35 AM)

Hát tập thể là một trong những hình thức hấp dẫn, lôi cuốn thiếu niên nhi đồng thời là một nhu cầu sinh hoạt tập thể của thiếu nhi...

 VÀI NÉT VỀ HÁT TẬP THỂ :

              Khái niệm :

            - Hát tập thể là lối hát do một nhóm thiếu nhi hoặc nhiều thiếu nhi (ít nhất từ 5 thiếu nhi trở lên) cùng hát

            - Hát tập thể là sự tổng hợp của nhiều giọng hát, nhiều sắc thái tạo ra một hiệu qủa chung mà trong đó là sự phong phú về chất giọng, sự hòa đồng của các mầu âm, sắc thái khác nhau.

            - Hát tập thể là một trong những hình thức hấp dẫn, lôi cuốn thiếu niên nhi đồng thời là một nhu cầu sinh hoạt tập thể của thiếu nhi.

             Mục đích :

            - Trang bị cho thiếu nhi biết hát các bài hát tập thể, bài hát truyền thống, ca khúc cách mạng, bài hát sinh hoạt cộng đồng… để nhằm làm phương tiện giao tiếp, tập hợp, giao lưu trong các sinh hoạt tập thể, sinh hoạt Đội.

            - Tạo ra, khơi dậy trong bản thân thiếu nhi một sinh hoạt nghệ thuật vui vẻ, hồn nhiên. Thông qua đó, nhằm giáo dục, tuyên truyền đường lối, lý tưởng cách mạng, tình yêu trong sáng, rèn luyện tính tập thể, tư tưởng nếp nghĩ lành mạnh, nhằm chống lại văn hóa đồi trụy, độc hại.

            - Tạo sự phát triển toàn diện, phát triển thẩm mỹ thông qua hoạt động âm nhạc ở mức độ quần chúng, góp phần xóa nạn mù nhạc, nâng cao khả năng nhận thức và thưởng thức âm nhạc trong thiếu nhi.

             Yêu cầu :

            Phải hát đúng (cấp độ, trường độ, nhịp phách), đảm bảo tính chuẩn xác. Đề cao tính đồng đều, tính hòa đồng tập thể, không mang tính kỹ thuật, chuyên nghiệp, chuyên sâu.

 PHƯƠNG PHÁP DẠY HÁT TẬP THỂ :

             Xác định đối tượng, hình thức :

            a. Xác định đối tượng :

            - Đối tượng là thiếu nhi đang sinh hoạt trong hệ thống tổ chức Đội hoặc nằm trong phạm vi tổ chức Đoàn, Hội, Đội có trách nhiệm quản lý và giúp đỡ.

            - Đối tượng tham gia sinh hoạt tập thể không phân biệt vấn đề năng khiếu, không yêu cầu phải biết nhạc lý.

            - Ngoài những đối tượng thích sinh hoạt tập thể cần vận động đông đảo thiếu nhi cùng tham gia.

            b. Xác định hình thức :

            Đây là lối dạy hát theo thể truyền khẩu (thiếu nhi nghe giảng viên hát và  thiếu nhi hát theo), không yêu cầu cao về kỹ thuật thanh nhạc như cách dạy hát ở các trường âm nhạc chuyên nghiệp (đào tạo ca sĩ).

             Chuẩn bị :

            a. Chọn giáo viên hoặc cộng tác viên :

            Người dạy hát tập thể tốt nhất là các giáo viên, có kinh nghiệm nhiệt tình với tuổi trẻ. Hoặc có thể là cán bộ đoàn, Hội, Đội, Tổng phụ trách Đội có năng khiếu được lựa chọn, song phải đảm bảo hát đúng, chuẩn xác các bài hát cần dạy.

            b. Chọn bài hát cho đối tượng :

            Bài hát phù hợp với đối tượng, phù hợp với tính chất hát tập thể, chủ đề của bài hát phải đảm bảo đúng định hướng của Đoàn, Đội. Cụ thể như các bài hát truyền thống, bài hát nghi lễ, bài hát sinh hoạt cộng đồng hoặc các ca khúc cách mạng…

            - Cần chú ý khi chọn các bài hát để dạy cho tập thể phải đảm bảo các yêu cầu như: giai điệu đơn giản, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ phổ cập, ít lời ca, các bài hát phải có tính chất khỏe khoắn, vui tươi nồng nhiệt, cổ vũ, tạo tính chất hứng khởi.

            - Cần tránh các bài hát có giai điệu khó, âm vực rộng, nhịp điệu tự do, buồn chậm…

            - Sau khi chọn bài hát xong cần có thảo luận, đưa ra yêu cầu trước cho người trực tiếp dạy để họ có thời gian chuẩn bị.

            - Nếu bài hát do người trực tiếp chọn thì phía bên tổ chức phải nói rõ mục đích, yêu cầu của việc chọn bài, nói rõ đối tượng, yêu cầu của lớp học để người dạy nghiên cứu trước khi lên lớp.

            c. Chọn địa điểm, thời gian, không gian :

            - Nếu bỏ qua yếu tố này sẽ làm giảm kết qủa của buổi học

            - Chọn địa điểm thoáng mát không ồn ào, không nên chọn vào các thời điểm mùa vụ, chiến dịch, ngày lễ, tết…

            - Phòng học phải thoáng mát, sạch sẽ, ấm cúng, chọn phòng lớn cho đông thiếu nhi học. Một nhóm nhỏ thì chỉ cần phòng nhỏ ấm cúng, dễ gần.

            d. Chuẩn bị phương tiện dạy học :

            Muốn buổi học có kết qủa tốt, chúng ta không nên bỏ qua các phương tiện dạy học. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần tăng thêm hiệu qủa. Tùy theo số lượng người học, khả năng của người dạy, điều kiện cơ sở vật chất để chọn phương tiện dạy cho phù hợp.

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH DẠY MỘT BÀI HÁT TẬP THỂ :

            Sau các bước chuẩn bị như chọn giáo viên, chọn địa điểm, không gian, thời gian lớp học, phương tiện dạy học, ban tổ chức lớp học phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở, điểm danh sĩ sô trong lớp học để đạt được sự nghiêm túc.

            * Có thể tiến hành theo các trình tự sau :

            Bước 1: Phổ biến nhạc và lời bài hát. Có nhiều cách:

            + Phát bài hát đã photo sẵn

            + Viết bài hát lên bảng

            + Đọc chép

            Bước 2: Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

            - Giới thiệu về tác giả, xuất xứ của bài hát (hoàn cảnh ra đời)

            - Giới thiệu nội dung lời ca, giải thích các lời khó hiểu, nêu hình tượng của bài hát để tạo cảm xúc ban đầu. Cần nói rõ yêu cầu của bài hát, yêu cầu về nhịp phách…

            Bước 3: Người dạy cần hát trước một vài lần, hoặc mở băng catset (nếu có) để tạo cho thiếu nhi làm quen dần với giai điệu, nhịp điệu của bài hát, đồng thời tạo được tính nghiêm túc, ổn định, gây hứng khởi ban đầu cho lớp học.

            Bước 4: Tiến hành dạy hát từng câu:

- Bước đầu người dạy hát thật chậm, kỹ, rành rọt từng câu, từng chỗ luyến láy thật nhiều lần rồi lấy khẩu lệnh 1,2.. để thiếu nhi học hát theo mình nhiều lần. Ban đầu hát chậm rồi hát nhanh dần cho đến khi đúng với tốc độ bài hát.

            - Giáo viên chỉ cần nhắc cho thiếu nhi chỗ ngân dài đặc biệt là chỗ luyến láy cao độ khó.

            Để tạo không khí thi đua, tạo sự phong phú, vui vẻ cho buổi học, sau mỗi câu hát, giáo viên cần phải chỉ ra một em hát, hoặc 2 em, hoặc một bàn…

            Cứ thế tiến hành dạy hát từng câu một cho đến hết bài.